Thế giới này nhìn như không công bằng, có người chỉ qua một đêm liền trở nên giàu có, trong tay nắm quyền thế, có người lại chăm chỉ kiên định mà không được tiếng tăm gì. Nhưng nếu nhìn nhận trong thời gian lâu dài hơn một chút mà đánh giá, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng thế giới này thực sự rất công bằng. Lưới trời lồng lộng, làm người phải hiểu được bốn đạo lý dưới đây để tránh tai ương, sống một cuộc đời bình an vô sự.
Tài phú không thể lớn hơn công đức
Tài phú của một người ngàn vạn lần không thể lớn hơn công đức (công lao và đức hạnh) của bản thân người ấy. “Được thì phải mất” đó là đạo lý bất biến trong đời người. Khi một người bỏ ra công lao bao nhiêu thì sẽ có được thu hoạch bấy nhiêu. Nếu tài phú của một người mà lớn hơn công đức của người ấy thì chính là đang đầu cơ trục lợi, không làm mà hưởng, kết cục chính là dẫn đến tai họa.
Người xưa chú trọng đạo lý “Nhất phân canh vân nhất phân thu hoạch” (một phần cày cấy, một phần thu hoạch). Tài phú mà chúng ta có thể có được đều là phải dựa vào sự trả giá của chính bản thân chúng ta. Nhưng trong xã hội ngày nay ngày càng có nhiều người vì kiếm lợi mà không từ một thủ đoạn nào, làm giả ăn thật. Khi công đức của một người không tương xứng với tài phú mà người ấy có được thì sẽ phát sinh việc “đức không xứng vị tất có tai ương”, tài phú ấy sẽ bị mất đi bằng cách này hay cách khác.
Trong cuộc sống hiện thực có không ít trường hợp kiếm tiền thật dễ dàng nhưng cũng nhanh chóng tán gia bại sản. Đó chính là bởi công đức không đủ, không thể tránh khỏi tai ương. Điều này cũng chính là đạo lý mà cổ nhân răn dạy: “hậu đức tái vật” (đức dày nâng đỡ được vật), chỉ có đức dày mới tương xứng với tài phú lớn.
Danh tiếng không thể lớn hơn thực lực
Danh tiếng của một người ngàn vạn lần không thể lớn hơn thực lực của chính người ấy. Một khi danh tiếng lớn hơn thực lực thì chính là “hữu danh vô thực”, lúc ấy chính là lừa đời lấy tiếng, mua danh chuộc tiếng và sẽ dẫn đến tai họa.
Xã hội hiện đại, rất nhiều người đều truy cầu danh tiếng bởi vì sự ảnh hưởng của danh tiếng là rất lớn. Khi một người có danh tiếng thì sẽ dễ làm việc, dễ hợp tác, thậm chí còn được người khác tôn sùng. Danh tiếng là một loại tài phú. Khi thực lực của một người không tương xứng với danh tiếng mà người ấy đang có, điều đó cũng có nghĩa là người ấy đang sử dụng và tiêu hao phúc báo của chính mình. Khi phúc báo của người ấy cạn kiệt dần thì tai ương cũng dần dần kéo đến.
Cho nên, khi danh tiếng của chúng ta không ngừng tăng lên thì chúng ta phải không ngừng làm tăng lên thực lực của chính mình. Hơn nữa phải luôn luôn ghi nhớ rằng tốc độ tăng lên của thực lực cần phải nhanh hơn tốc độ tăng lên của danh tiếng. Khi một người có thể làm được như vậy thì mới có thể tránh được tai ương, không ngừng hướng đến thành công hơn nữa.
Địa vị không thể lớn hơn sự cống hiến
Địa vị của một người không nên lớn hơn sự cống hiến, đóng góp của người đó. Khi địa vị của một người rất cao nhưng sự đóng góp, cống hiến của người ấy lại không đủ thì nhất định sẽ khiến mọi người xung quanh không phục, sinh ra đố kỵ, thậm chí mưu tính để hãm hại cho hả giận.
Ở bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng vậy, người được đánh giá cao, có địa vị lớn phải là người có đóng góp lớn. Chỉ có như vậy thì mới có thể thu phục được lòng người, mới được mọi người ủng hộ, mới có thể tại vị một cách an ổn, vững vàng và lâu dài.
Tuy nhiên ngày nay rất nhiều người vì muốn có được địa vị cao, chức quyền lớn mà không từ hết thảy thủ đoạn, thông đồng làm chuyện xằng bậy, a dua xu nịnh mà quên mất không tự hỏi bản thân có cống hiến đủ hay chưa. Những người như thế nhất thời có thể đạt được mục đích của mình nhưng nhất định sẽ bị hạ bệ trong một ngày không xa.
Chức vị không thể lớn hơn khả năng
Khi chức vị của một người quá cao mà khả năng, năng lực lại không đủ, điều đó có nghĩa là người ấy đang thực thi các quyền lực vượt quá khả năng của mình, và cũng chính là đang tạo tiền đề cho sự sụp đổ của chính người ấy.
Trong xã hội, rất nhiều người theo đuổi quyền cao chức trọng nhưng lại không muốn học hỏi để gia tăng năng lực của bản thân. Đây là việc vô cùng nguy hiểm. Khi một người mưu cầu khống chế những việc vượt quá khả năng của mình thì mỗi một hành vi và chỉ lệnh của người ấy đều là sai lầm, lệnh lạc. Những sai lầm, lệch lạc này tích lũy đến một mức độ đủ lớn thì nhất định sẽ gây ra tai họa cho chính bản thân người ấy.
Một người chỉ có thể tận hưởng những thứ phù hợp với bản thân mình, và cách tốt nhất để có được thứ gì đó là phải tự bỏ công bỏ sức, tự mình cố gắng và trả giá. Nếu không, hết thảy đều là vọng tưởng, là gieo mầm tai họa. Một người phải có sự hiểu biết về bản thân mình, không cần quá tính toán và lo lắng, chỉ cần làm tốt những việc bản thân nên làm thì tự nhiên sẽ tránh được tai ương, có được hồi báo tương xứng.