Người xưa thường nói, Thiên ngoại hữu Thiên, nhân ngoại hữu nhân. Nếu một người mà tư tưởng bị giới hạn ở một ngưỡng nào đó, thì quả thật đáng tiếc. Ai có thể nhìn xa hơn một chút, ắt sẽ có thể thoát khỏi sự hạn chế của bản thân, sinh mệnh cũng đạt đến một cảnh giới cao hơn.
Tả Tông Đường (1812-1885) là một nhân vật lịch sử thời nhà Thanh. Ông đam mê cờ vây và cũng là một trong những cao thủ thời đó.
Cờ vây là một trò chơi dạng chiến lược trừu tượng, dành cho hai người chơi trong một ván, trong đó mục tiêu là bao vây nhiều lãnh thổ hơn đối thủ. Trò chơi được phát minh ở Trung Hoa thời cổ đại vào hơn 2.500 năm trước, và được coi là trò chơi lâu đời nhất còn được tiếp tục chơi cho đến ngày nay.
1. Nước sâu thì chảy chậm – người điềm tĩnh đích thị cao nhân
Một lần nọ khi đang dẫn binh sĩ ra trận, Tả Tông Đường đi ngang qua một túp lều có treo tấm biển ghi rõ: “Thiên hạ đệ nhất kiện tướng cờ vây”.
Đối với người được xem là một trong những cao thủ cờ vây, thì đây là một thách đố. Tả Tông Đường trong lòng không phục, ông bước vào nhà tỏ ý muốn thách đấu với người treo tấm biển kia. Họ đấu với nhau 3 trận, kết quả Tả Tông Đường toàn thắng cả 3 ván.
Mọi việc đã quá rõ, Tả Tông Đường cười sảng khoái: “Giờ nhà ngươi hãy gỡ tấm bảng hiệu đó xuống đi!”. Ông vô cùng tự tin vào danh hiệu cao thủ cờ vây và cảm thấy thỏa mãn trước chiến thắng của mình.
Vị chủ nhà điềm tĩnh mỉm cười, nghiêng mình cung kính tiễn Tả Tông Đường ra trận.
2. Nghĩ cho đại cuộc
Với khí thế đang lên, Tả Tông Đường cùng quân đội của mình đã thắng một trận lẫm liệt.
Trên đường trở về, họ lại ghé ngang qua căn nhà chòi. Vị tướng rất tò mò, muốn xem xem tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kiện tướng cờ vây” đã được gỡ xuống chưa, nhưng quá ngạc nhiên, nó vẫn được treo trên mái chòi.
Tả Tông Đường bước vào hỏi lý do tại sao tấm biển vẫn chưa được hạ xuống, vì danh hiệu “Đệ nhất kiện tướng cờ vây” từ lâu đã không còn thuộc về vị chủ căn nhà này?
Vị chủ nhà một lần nữa điềm tĩnh, bảo rằng ông ta vẫn là “Thiên hạ đệ nhất cờ vây”, và ngỏ ý đánh thêm 3 trận nếu Tả Tông Đường không phục. Không chút do dự, vị tướng quân nhận lời và nhanh chóng bước vào cuộc chiến phân chia cao thấp.
Trong cả ba trận này, Tả Tông Đường đều thua một cách tâm phục khẩu phục trước kỹ năng chơi cờ của đối thủ.
Ông vừa bàng hoàng, vừa ngạc nhiên hỏi: “Tại sao lại có thể như thế được?”
Vẫn điềm tĩnh như lúc thua 3 ván cờ lần trước, vị chủ nhà đáp: “Vì lần trước tướng quân có nghĩa vụ điều dắt binh sĩ ra trận, nên tại hạ không thể làm nao núng tinh thần của ngài. Giờ đây, ngài đã trở về trong vinh quang nên tại hạ quyết định chơi hết mình để phân rõ đâu là ‘Thiên hạ đệ nhất’”.
Tả Tông Đường hiểu ra ngay, cung kính hành lễ và chào tạm biệt “cao nhân”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy, bậc cao nhân thật sự là những người có thừa khả năng giành chiến thắng, nhưng không phải lúc nào cũng nhất định phải thắng.
Họ có tài năng, đồng thời cũng có suy nghĩ rất sâu sắc. Họ biết nhìn xa trông rộng, nghĩ cho người khác để không phá hỏng đại sự.
Thay vì tâng bốc bản thân, họ sẵn sàng nghiêng mình nhường người một bước, từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất. Vậy mới nói, người xưa có câu: “Bậc cao nhân rất biết cách thu lại ánh hào quang của chính mình”.