Cổ nhân thường nói: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn”, ý tứ rằng: Một câu lương thiện ấm ba đông, một lời ác lạnh sáu tháng ròng. Một lời nói khiến người vui cười không ngớt, cũng có thể khiến người bi thương sầu muộn. Đây chính là sức mạnh của ngôn từ.
Văn hoá giao tiếp, ứng xử xưa nay luôn là một trong những thước đo để đánh giá giá trị và sự tu dưỡng của một con người. Dù là ở thời đại nào, sự lễ nghĩa trong giao tiếp, lời ăn tiếng nói cũng là một phẩm hạnh được người đời ca tụng, trân trọng. Trong giao tiếp, từng câu nói đều thể hiện bản lĩnh, sự tinh tế của mỗi người.
1. Không buông lời cay nghiệt là một loại tu luyện bản thân
Tạo hóa ban cho con người hai lỗ tai nhưng lại chỉ có một cái miệng, chính là để cho người ta nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Muốn lắng nghe, người ta phải buông bỏ được cái tôi cá nhân, hoàn toàn thấu hiểu cảm giác của đối phương, quan tâm thực sự đến người đang nói chuyện với mình. Sở dĩ lắng nghe khó đến vậy là bởi lý do này.
Bên cạnh chúng ta sẽ luôn có những người nói chuyện rất “thẳng miệng” và thường buông lời cay nghiệt, họ cứ tự cho là mình thẳng thắn. Thẳng thắn đều là những đức tính tốt, nhưng phải đi kèm với sự tinh tế và phải được nói ra trong một thời điểm hợp tình hợp lý. Trong những khoảnh khắc không thích hợp, lời nhanh mồm, thẳng thắn chính là cay nghiệt, sự ngay thẳng có thể trở thành vô duyên.
Những người lịch sự và khôn ngoan luôn biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, để ý tâm lý và cảm thụ của đối phương trước mỗi câu nói ra trong mọi tình huống.
Người xưa đã có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để chứng tỏ tầm quan trọng của việc đem lại cảm xúc thoải mái cho cả mình lẫn đối phương trong một cuộc trò chuyện quan trọng cỡ nào.
2. Không tùy tiện hứa hẹn thề thốt là một sự tôn trọng
Trong cuộc sống cá nhân riêng tư lẫn đời sống công việc, chúng ta thường hay tự đặt bản thân vào hoàn cảnh khó nếu có thói quen tùy tiện hứa hẹn trong bất kể tình huống nào. Nếu đó là những câu hẹn thông thường thì không sao.
Nhưng nếu đặt vào tình huống khó xử, ảnh hưởng đến lợi ích của một số bên liên quan, lời hứa của bạn có thể trở thành sự trói buộc đem tới những ảnh hưởng bất lợi cho rất nhiều người và cả chính bản thân bạn.
Lời hứa là thứ đại diện cho chữ Tín, cho phẩm đức của một con người, không nên lấy ra đặt ở cửa miệng để rồi đánh mất cái uy của chính nó. Khi được giao công việc, người dân Đức có thói quen trả lời “Tôi sẽ cố gắng hết sức” chứ không phải hứa hẹn như “Tôi nhất định sẽ hoàn thành tốt”. Họ luôn tránh đưa ra những lời cam kết có nguy cơ “nói trước bước không qua”.
Thay vì liều lĩnh đánh đổi uy tín của mình, họ thà thận trọng trong từng câu nói, hạn chế đưa ra những lời hứa hẹn dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào để luôn giữ vững được niềm tin đối với bản thân.
3. Ăn nói từ tốn, không cướp lời người khác là biểu hiện của người có hàm dưỡng
Thường khi người ta có việc gấp, gặp phải khó khăn, trong lòng dễ nảy sinh tâm lý nóng nảy, vội vàng. Lúc ấy, người ta dễ cướp lời người khác hơn cả. Lời nói ra giống như bát nước hắt đi, làm cách nào cũng không thu lại được.
Họ cũng chẳng suy tính đến điều hơn lẽ thiệt, lời lẽ hay chừng mực gì, thường là nói mà không nghĩ đến cảm giác của người nghe. Sau khi cơn nóng giận qua đi, khi bình tĩnh lại, dẫu có làm cách gì đi nữa người ta cũng không thể nào vãn hồi được tổn thất đã gây ra.
Người ta phát hiện rằng, khi đang thao thao bất tuyệt, hùng hồn thuyết nói thì não bộ của bạn gần như là “chết” đi một nửa. Bởi khi ấy bạn chỉ nói và nói mà không thể nghe bất cứ một âm thanh gì, kể cả là lời của người đối diện.
Khi gặp phải vấn đề, ngôn ngữ chính là cách để người ta giao tiếp, trao đổi ý kiến và giải quyết vấn đề chứ không phải để tranh luận, tấn công lẫn nhau. Nếu dùng lời nói để đả kích nhau thì kết cục cuối cùng chính là “lưỡng bại câu thương”, đôi bên đều phải chịu tổn thất.
“Thái Căn Đàm” viết: “Tâm loạn thì trong tĩnh vẫn loạn, tâm tĩnh thì trong loạn vẫn tĩnh”. Thực vậy, trong lòng luôn giữ được tĩnh khí thì dẫu là chung quanh có ngàn vạn đau thương cũng không thể làm rối loạn tâm can.
Người có tu dưỡng thì dù là trong lòng có sóng gió mãnh liệt đến đâu cũng sẽ mau chóng bình ổn trở lại, vui buồn coi như không lộ ra ngoài, khiến cho người bên cạnh luôn cảm thấy họ chững chạc, thành thục.
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, nếu một người trong lòng gặp chuyện thì sẽ có xu hướng nói ra hết tâm can của mình, nói đến cạn lời mới chịu dừng lại. Vậy nên, muốn giải quyết vấn đề thấu triệt hoàn toàn thì trước tiên phải học cách lắng nghe tâm sự của người đối diện.
Cổ nhân nói: “Bậc trí ngẫm trước rồi mới nói, kẻ ngu si nói trước rồi mới ngẫm”. Người thông minh sẽ không bao giờ cướp lời. Bởi vì họ tự biết phân biệt được sự việc là nặng hay nhẹ, là thong thả hay cấp bách. Tất nhiên, họ cũng chẳng cần tranh chấp.
Nói nhiều chẳng bằng nói trúng. Cướp lời chẳng thà suy nghĩ thật kỹ, chỉ nói một câu mà giải quyết được vấn đề. Đó mới là cách hành xử của người thông thái vậy.
Sách “Thái Căn Đàm” viết: “Miệng chính là cửa của tâm vậy”. Người mà lời nói ra đầy khí giận thì càng nói nhiều lại càng mất nhiều. Người có tu dưỡng thì trong lòng luôn có chỗ cho người khác, vậy nên sẽ chẳng bao giờ cướp lời, mà lại biết lắng nghe, lĩnh hội.
Ông Trời cấp cho mỗi người một lượng phúc khí như nhau. Có người vì nóng giận mà tiêu tan phúc phí rất mau. Có người vì hàm dưỡng mà giữ gìn phúc khí trọn đời.
Người tính khí càng tốt thì phúc khí càng nhiều. Dùng cái tâm hòa nhã mà nhìn thế giới, lấy cái tâm thiện lương mà đối đãi với mọi người xung quanh, ít nóng vội đi thì tự nhiên sẽ có thêm một phần phúc đức.