Trang Tử từng nói: “Biết rằng cảnh khốn cùng là do số mệnh, biết rằng cảnh thông thuận là do thời thế, lâm đại nạn mà không sợ hãi, đó là cái dũng của bậc thánh nhân.” Bậc thánh nhân có nội tâm mạnh mẽ, thấu hiểu thiên mệnh, từ đó nuôi dưỡng sự nhẫn nại, sẵn lòng chờ đợi thời cơ, cảnh giới tu dưỡng của họ đã đạt tới trạng thái điềm nhiên tĩnh lặng như nước.

Suy cho cùng, sự mạnh mẽ của nội tâm chính là dám đối mặt với hiện thực, có thể dốc sức hành sự, nhưng vì hiểu thiên mệnh nên biết tiết chế bản thân. “Luận Ngữ” có câu: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, người không biết thiên mệnh chẳng thể được coi là bậc quân tử. Đạo gia và Nho gia không hẹn mà gặp, coi thiên mệnh là điều tối cao. Khổng Tử nói, đến năm mươi tuổi thì biết mệnh Trời. Sau nửa đời người nếm trải đủ những đắng cay, ông mới biết rằng có những điều mình có thể làm được, có những điều mình không thể làm được, mới biết có những điều cao cả bao la và phổ quát mà con người không thể với tới.

“Trung Dung” viết: “Quân tử thuộc dị dĩ sĩ mệnh, tiểu nhân hành hiểm dĩ nghiêu hãnh”, bậc quân tử có thể thành tựu đại sự, đa phần đều an phận với địa vị bình dị trong cuộc sống, chờ đợi thiên mệnh, còn kẻ tiểu nhân lại mạo hiểm, vọng tưởng truy cầu những lợi ích không thuộc về mình, cuối cùng trắng tay.

Khi đối diện với khó khăn, sở dĩ con người vẫn cảm thấy sợ hãi chủ yếu là vì vẫn còn mong cầu và sợ mất mát. Bậc thánh nhân thấu hiểu nhân sinh biết “tận nhân sự thính thiên mệnh”, dốc sức hành sự, vâng theo mệnh trời. Dẫu nỗ lực nhưng không truy cầu kết quả, dẫu làm việc quên mình nhưng sớm đã coi nhẹ vinh nhục, bởi vì đã ngộ được chỗ huyền diệu của thời thế.

Cổ nhân tổng kết thành hay bại được quyết định bởi ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó thiên thời luôn chiếm vị trí hàng đầu. Người có nội tâm mạnh mẽ có thể nhẫn chịu nỗi cô đơn, cái khổ sở, mà mở ra tương lai sáng lạn cho bản thân.

Thời vận vị lai quân hưu tiếu,
Thái Công dã tác điếu ngư nhân.

Tạm dịch:

Thời vận chưa tới vua nhàn rỗi,
Thái Công cũng như vị ngư ông.

Khương Tử Nha (Khương Thái Công) bao nhiêu năm trời sống trong cơ cực, từng đi ở rể tại nhà vợ, nhưng vì không giỏi mưu sinh nên thậm chí bị nhà vợ đuổi đi. Ông phải bán thịt, bán rượu, bán bột mỳ kiếm sống. Nhưng cho dù là buôn bán làm ăn hay xem bói tạm kiếm cơm qua ngày, ông đều chịu khó một lòng học tập thiên văn địa lý, quân sư mưu lược, nghiên cứu con đường “trị quốc an bang”, chờ thời cơ để thực hiện chí lớn. Đến khi già rồi ông ngồi câu cá ở bên sông Vị, cuối cùng được Chu Văn Vương tới đón về. Khương Tử Nha đã giúp nhà Chu diệt Trụ, lại giúp mở mang bờ cõi, khai sáng một thời kỳ thịnh thế.

Trong quá trình chờ đợi thiên mệnh đằng đẵng ấy, có bao nhiêu người mất đi sự kiên trì trong nội tâm mà lo tính chuyện được mất, hơn thua? “Luận Ngữ” có một câu nói nổi tiếng rằng: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã”, nghĩa là khi trời trở lạnh, mới biết cây Tùng cây Bách rụng lá sau cùng. Thường vào những tháng năm gian nan nhất, có thể nhẫn nại vượt qua mới biết ai là bậc trí tuệ, ai là bậc dũng giả, ai có nội tâm kiên cường mạnh mẽ.

Phạm Trọng Yêm là người nổi tiếng với câu nói: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, yêu nước thương dân, nhưng năm đó ông cũng để lại một câu danh ngôn truyền đời: “Bất dĩ vật hỷ, bất dĩ kỷ bi”, bậc trí giả được không cao hứng, mất không sầu bi. Khi viết câu nói ấy, ông bị giáng chức đày đi xa. Nhưng trong tám chữ ngắn ngủi này lại không có nỗi niềm chua xót trong cơn nguy khó, chỉ có một nội tâm mạnh mẽ không thể khuất phục.

Bậc chí sỹ trong các thời đại lịch sử, những người được tôn xưng là có nội tâm khoáng đạt, tấm lòng quảng đại, ai nấy đều mang theo tâm thái điềm nhiên, tiêu diêu, thoát tục. Từ Trang Tử, Bách Lý Hề thời Xuân Thu Chiến Quốc cho tới Đào Tiềm thời Nguỵ Tấn, rồi Tô Thức, Bạch Cư Dị thời Đường Tống, cuộc đời của họ ít nhiều đều phải trải qua những giai đoạn mây đen rợp trời, nhưng nội tâm mạnh mẽ của họ, tâm thái không thành công cũng thành nhân của họ, đã thắp sáng ngọn nến nhân sinh của họ một cách siêu thường.

Con người sống trên đời, chẳng thể mong cầu vạn sự như ý, chẳng thể muốn được đường đời phẳng lặng. Khi đứng giữa chông gai, khi sức cùng lực kiệt, thì hãy nhớ câu: “Biết rằng cảnh khốn cùng là do số mệnh, biết rằng cảnh thông thuận là do thời thế, lâm đại nạn mà không sợ hãi, đó là cái dũng của bậc thánh nhân.”