Cổ nhân dạy “Một chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Người xưa có câu “Cao ngạo thì dễ gặp họa, khiêm nhường mới nhận về phúc đức”. Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy sẽ tràn, con người nếu như cứ quá tự mãn, phúc khí dù có nhiều đến mấy cũng khó có thể giữ được. Hiểu đơn giản, tính cách quyết định vận mệnh còn đức hạnh quyết định phúc khí.
3 kiểu tính cách sẽ có vận mệnh tốt
Thứ nhất, tính cách hiền hòa
Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Thượng thiện nhược thủy nhâm phương viên”, tức là người có tính cách hiền hòa như nước, bên ngoài nhìn thì mềm mại nhưng bên trong lại bao hàm nguồn năng lượng vô biên. Hiền hòa ở đây không phải là tự di hay yếu đuối, đó là biểu hiện của sự chân thành và rộng lượng. Những người hiền hòa và bao dung sẽ có nhiều bạn bè bằng hữu, đường đời vô cùng rộng mở, vận mệnh ngày càng tốt đẹp.
Nhà văn nhà thơ Trầm Tụng Văn có tính cách hiền hòa và bao dung, tính cách này khiến cho những người gần gũi ông cảm thấy ông là người ấm áp và nhẹ nhàng giống như một làn gió xuân. Chính vì thế, mỗi khi ông gặp khó khăn, bạn bè đều vui vẻ và chủ động giúp đỡ. Đặc biệt, người bạn thân của ông là Úc Đạt Phu luôn động viên và chăm sóc mỗi khi ông gặp kiếp nạn. Thời điểm danh tiếng của ông vẫn chưa có ai biết đến, nhà văn Từ Chí Ma đã liên tục giới thiệu tác phẩm của ông tới những người yêu văn học nghệ thuật.
Chưa dừng lại ở đó, các bậc tiền bối như Lý Lâm Xán, Chu Quang Tiềm đều luôn ủng hộ và giúp đỡ Trầm Tụng Văn, tạo cơ hội cho ông thoải mái thể hiện tài năng của mình. Có thể nói, chính tính cách hiền hòa, dễ gần, thật thà của ông đã giúp cho ông trở thành một bậc thầy văn chương. Sống trên đời này, một người có tính cách hiền hòa và thân thiện thì đường đời sẽ ngày càng thuận lợi, cuộc sống gặp nhiều quý nhân.
Thứ hai, tính cách đơn giản
Nhà triết học Hegel từng nói: “Người đơn giản là người hiếm có nhất”. Đại Đạo là chí giản, chí dị và là tư tưởng đơn giản rất gần với Đạo. Tính cách cũng thế, người càng đơn giản, vận mệnh của họ sẽ càng tốt đẹp. Những người có tính cách đơn giản làm việc sẽ chuyên tâm chuyên nhất, tấm lòng khoáng đạt vô tư, không mưu cầu danh lợi. Họ sống một cuộc đời thanh thản, không quá để ý đến ánh mắt người đời, không dễ dàng rơi vào cạm bẫy của thế tục.
Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học ở tuổi 57, thời điểm đó ông đã viết được tròn 31 năm. Trong những năm tháng này, ông vẫn luôn điềm tĩnh và không vội vã, đơn giản chỉ là đắm mình vào công việc và sáng tác nghệ thuật. Suốt sự nghiệp viết lách của mình, ông cũng không mưu cầu danh lợi, chỉ đơn giản là phục vụ độc giả. Cuối cùng, ông đã dành được giải Nobel văn học nhờ nhiều tác phẩm chất lượng cao.
Sau khi đoạt giải, rất lâu sau ông mới xuất bản một cuốn sách mới. Nhiều người cho rằng ông đã hết thời. Thế nhưng ông chỉ mỉm cười thản nhiên. Quãng thời gian còn lại của cuộc đời, ông vẫn tiếp tục cống hiến hết mình cho những tác phẩm nghệ thuật. Dễ dàng thấy được, những người có tính cách đơn giản sẽ biết lẽ đời nhưng không sành đời, họ giống như hoa sen mọc giữa bùn lầy nhưng không bị vấy bẩn, sống một đời trong sạch và thanh tịnh.
Thứ ba, tính cách vui vẻ
Người xưa có câu rằng: “Người thích cười, vận khí sẽ không quá tệ”. Những người có tấm lòng vui vẻ và khoáng đãng, nụ cười luôn thường trực trên môi, cuộc sống của họ tự nhiên sẽ có phúc khí. Nguyên nhân bởi, họ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, kiên cường trong gian khổ và không ngừng phấn đấu nỗ lực dù có thất bại. Cuộc sống dù có bao nhiêu phong ba đi chăng nữa, họ vẫn có thể vượt qua và bình an vô sự.
Trong những năm Tống Triết Tông, Tô Thức, Lưu Chí và Lương Đào và rất nhiều quan lại khác bị lưu đày đến Lĩnh Nam. Khi đó, khí hậu tại Lĩnh Nam vô cùng nóng nực, chướng khí tràn lan, dịch bệnh hoành hành. Khi đến Lĩnh Nam, Lưu Chí và Lương Đào đã lần lượt qua đời vì bệnh tật do không hợp với khí hậu nơi này.
Duy chỉ có Tô Thức, bởi tính tình ông luôn vui vẻ và khoáng đạt, vì thế ông đi đâu cũng ăn được ngủ được, bệnh tật không thể nào xâm nhập. Những người có tính cách vui vẻ, dù đi đến đâu cũng luôn có vận may chờ đón, đối mặt với khó khăn cũng có thể vững vàng trước sóng gió. Họ không dễ dàng bị đánh bại, ngày càng quật cường và dũng cảm khi đối mặt với khó khăn.
Người sở hữu 3 đức hạnh này sẽ có nhiều phúc báo nhất
Thứ nhất, tâm tồn thiện lương
Vương Dương Minh từng nói rằng: “Người thường xuyên hành Thiện, ắt sẽ có Thiện báo”. Yêu thương người, đời sẽ yêu thương mình, tạo phúc cho đời, phúc sẽ tự đến. Trong tâm hồn thiện lương, nói lời tốt đẹp và làm việc thiện giúp đời, phúc khí tự nhiên sẽ đến rất nhiều.
Thời cổ đại, có một vị học giả tên Viên Liễu Phàm, trên đường vội vã đi thi, cậu đã gặp phải một thầy bói mệnh. Vị thầy bói này nói, khi cậu tham gia kì thi huyện sẽ xếp thứ thứ 14, tham gia kì thi tỉnh xếp thứ 71 nhưng không thi đỗ được tiến sĩ. Hơn nữa, năm 53 tuổi cậu sẽ qua đời và không có con cái.
Viên Liễu Phàm ban đầu không tin vào những lời nói này, tuy nhiên những thứ hạng trong kỳ thi quả thực giống như thầy bói kia đã nói. Sau khi trải qua cú sốc tâm lý này, tâm ý của Viên Liễu Phàm trở nên nguội lạnh, cậu cảm thấy cuộc đời vô vị, ngắn ngủi, tương lai mịt mù. Mãi cho đến khi gặp Thiền Sư Vân Cốc, thiền sư nói với cậu rằng: “Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phúc”. Kể từ đó, Viên Liễu Phàm bắt đầu nỗ lực hành thiện và tu thân tích đức. Sau này, không những thi đỗ tiến sĩ mà Viên Liễu Phàm còn có con, sống đến hơn 70 tuổi mới qua đời.
Có thể thấy, thiên đạo vô thường, chỉ có ‘tâm thiện tích đức’ mới có thể tích được phúc báo, thay đổi vận mệnh và thu hút may mắn tìm đến.
Thứ hai, khiêm tốn và nhẫn nhường
Người xưa có câu “Cao ngạo thì dễ gặp họa, khiêm nhường mới nhận về phúc đức”. Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy sẽ tràn, con người nếu như cứ quá tự mãn, phúc khí dù có nhiều đến mấy cũng khó có thể giữ được. Những người khiêm tốn sẽ biết cách để hạ mình, họ làm vậy không phải vì hèn nhát mà là biết buông bỏ cái tôi nhỏ hẹp để có được những điều to lớn hơn.
“Chu Dịch” có viết rằng: “Khiêm tốn là cốt cán của đức hạnh”. Dễ dàng thấy được, những người khiêm tốn và độ lượng sẽ nhận về đức độ siêu phàm, đức dày phúc lớn và làm nên đại sự.
Thứ ba, người có tấm lòng khoan dung rộng lớn
Trong “Thái Căn Đàm” có viết: “Tất hữu dung, đức nãi đại”, những người có tấm lòng khoan dung ắt sẽ có nhiều phúc đức. Ngược lại, những người làm việc thường xuyên tính toán so đo, lòng dạ hẹp hòi, đầu óc nhỏ nhoi sẽ hay gặp xui xẻo, khó gặp được may mắn trong cuộc đời. Bao dung và tha thứ cho người khác chính là khi bản thân đang tu đức, tích phúc cho chính mình.
Ở thời Tam Quốc, sau khi Gia Cát Lượng qua đời tại nước Thục, Tưởng Uyển đã giữ chức thừa tướng và làm chủ triều chính. Có một thuộc hạ của ông là Dương Hí, tính cách lầm lì và không giỏi ăn nói. Mỗi khi Tưởng Uyển tìm đến nghị sự, Dương Hí luôn trầm mặc và không nói gì nhiều. Không ít người cảm thấy kỳ lạ đã nói với Tưởng Uyển rằng: “Người như Dương Hí thật kiêu ngạo và thô lỗ, thật là quá đáng!”
Tuy nhiên, Tưởng Uyển không hề cảm thấy bất mãn. Ông cho rằng, mỗi người đều có tính cách và khí chất riêng, điều chúng ta cần làm là tôn trọng và bao dung điều đó. Vì thế, Tưởng Uyển đã nhận được lời khen ngợi của rất nhiều người. Trong cuộc sống này, tài hoa và năng lực chỉ là nhất thời, riêng chỉ có đức hạnh mới có thể thắng được cả cuộc đời. Làm người nếu như có phẩm đức cao lớn và khoan dung độ lượng, nhất định họ sẽ có phúc khí dày sâu và sống cuộc đời viên mãn.