Cổ nhân dạy “Sống ở đời, gieo nhân nào gặt quả nấy”. Người xưa đã dạy rằng, người sống trên đời gieo nhân nào thì gặp quả ấy, thiên lý soi rọi và chà đạp nhân luân ắt sẽ phải nhận phải báo ứng. Dù có kiếp sau mọi người cũng sẽ sống rất khổ sở.

Người xưa có lưu truyền một câu chuyện như sau:

Trong một túp lều tranh vô cùng tồi tàn, một cậu bé ăn xin với tướng mạo xấu xí và bị gù lưng sống cùng với người mẹ của mình. Bố của cậu cũng là một người ăn xin vất vả sống qua ngày. Thế nhưng gần đây, những thứ xin được càng ngày càng ít, thế là cậu liền bị bố mình đuổi ra khỏi nhà.

Cậu bé ăn xin đáng thương vừa nhỏ tuổi lại vô cùng xấu xí, thế nên hễ gặp ai đó đều bị mọi người xa lánh và xua đuổi. Mấy ngày liền cậu bé không xin được một bữa cơm nào, cả ngày đói bụng đến mức đầu óc quay cuồng, may mắn có một ngôi chùa đã chấp nhận giữ chân cậu ở lại. Những người trụ trì đã phân công cho cậu phụ trách quét dọn những bàn thờ cúng được đặt ở trước tượng Phật trong chùa, bù lại mỗi ngày cung cấp cơm trà cho cậu. Cậu bé ăn xin vô cùng vui mừng và hạnh phúc, cuối cùng đã có nơi chấp nhận cho cậu ăn ở, vậy là cậu bé ăn xin trở thành một tiểu hòa thượng.

Tuy nhiên, đến hôm sau khi cậu bé đến Phật đường xem thử đã thấy một vị hòa thượng mập mạp đang quét dọn bàn thờ, lau chùi vô cùng cẩn thận và dụng tâm. Bàn thờ không lâu sau đã được lau chùi sạch sẽ bóng loáng. Cậu bé không ra ngoài hóa duyên, cũng không có quét dọn nên không có cơm ăn, phải nhịn đói một ngày trời. Ngày hôm sau, cậu bé (lúc này gọi là tiểu hòa thượng) lần nữa đi quét dọn, lại phát hiện vị sư huynh mập mạp kia đã quét dọn sạch sẽ xong rồi. Không có cơ hội làm việc, tiểu hòa thượng cũng không có mặt mũi đi nhận cơm ăn.

Đói bụng đến mức đầu óc choáng váng, một vị sư huynh cao gầy thấy bộ dạng của tiểu hòa thượng liền vô cùng lo lắng, hỏi đã xảy ra chuyện gì. Nghe thấy tiểu hòa thượng nói đã 2 ngày không ăn, vị sư huynh này liền nói: “Để ngày mai huynh đi hóa duyên mang theo 2 cái bát, xin thêm một bát cơm chay về cho đệ”. Ngày thứ ba, tiểu hòa thượng đói bụng đến mức nằm bệt trên giường không thể đứng dậy nổi, nằm đó đợi sư huynh mang cơm cho mình. Đợi mãi, ngóng mãi, đến khi sắc trời dần tối, vị sư huynh cao ráo mới trở về. Hai tay trống không, vị sư huynh buồn bã nói: “Xin lỗi sư đệ, lúc nãy trên đường về chẳng may gặp một bầy chó dữ, chúng đã ăn hết số cơm chay mà huynh xin cho đệ rồi”. Tiểu hòa thượng giọng yếu ớt nói: “Không sao, cám ơn sư huynh”.

Đến ngày thứ 4, một vị Thần Thông đại sư huynh đi hóa duyên cuối cùng đã tránh được bầy chó dữ, an toàn mang bát cơm chay trở về. Thế nhưng khi đi vào phòng tiểu hòa thượng, vị đại sư huynh này phát hiện tất cả các cửa sổ đã bị khóa lại. Đại sư huynh lập tức vận dụng thần thông của mình, một đạo kim quang xuất hiện đã dẫn theo Thần Thông đại sư huynh xuyên qua cánh cửa bước vào.

Nhìn thấy tiểu hòa thượng, đại sư huynh liền nói: “Sư đệ hãy mau ăn cơm đi!”. Tay của tiểu hòa thượng vừa chạm đến cái bình đựng bát cơm, bình đã rơi xuống và đổ hết cơm xuống mặt sàn. Thấy thế, Thần Thông đại sư huynh hai tay hợp lại và đọc chú ý, gắng gượng nhặt số cơm đang rơi giữa không trung lên, một lần nữa bưng cơm đến trước mặt tiểu hòa thượng. Thế nhưng lúc này tiếng chuông trong chùa vang lên đúng là vào giữa trưa, tất cả các hòa thượng cần phải tuân giữ giới luật “quá giờ ngọ không dùng bữa”.

Thần Thông đại sư huynh cảm thấy khó chịu, loay hoay cả nửa ngày vẫn không thể giúp vị tiểu hòa thượng ăn được nửa miếng cơm. Tiểu hòa thượng nở nụ cười yếu ớt: “Cảm ơn Thần Thông đại sư huynh, mong huynh lấy giúp đệ một bát nước”. Thần Thông đại sư huynh nghĩ rằng, nếu không ăn được cơm thì uống tí nước cũng được nên đã ra ngoài lấy nước. Tiểu hòa thượng nói với sau lưng: “Thần Thông đại sư huynh, xin hãy cho đệ thêm một chút tro vào nước”.

Dù cảm thấy buồn bực nhưng Thần Thông đại sư huynh vẫn nhận lời. Lúc này, tiểu hòa thượng đã thở thoi thóp. Khi Thần Thông đại sư huynh bưng một bát nước có thêm tro đến, tiểu hòa thượng uống một mạch hết luôn, sau đó đã ngồi dậy được như bình thường. Tiểu hòa thượng ánh mắt long lanh, nói rằng: “Có phải huynh đang thắc mắc tại sao đệ phải uống nước có thêm tro hay không? Để đệ nói rõ duyên cớ để huynh hiểu”.

Thì ra ngay từ nhỏ, tiểu hòa thượng đã nhớ được kiếp trước của mình. Kiếp trước, tiểu hòa thượng là một công tử giàu có. Sau khi cha qua đời đã để lại toàn bộ tài sản cho cậu. Mẹ cậu là một người thích bố thí hành thiện, thường xuyên bố thí tiền của và lương thực cho những người ăn xin. Thế nhưng, cậu công tử dù nhà giàu nhưng lại rất keo kiệt, không thích mẹ mình làm như thế.

Một ngày kia, khi mẹ cậu bố thí tiền của lương thực cho những người ăn xin, cậu đã tức giận đến mức xô ngã mẹ mình, sau đó hét lên: “Số tiền này đều là do cha để lại cho tôi, đâu có để lại cho bọn ăn mày”. Sau đó, cậu lôi mẹ mình về nhà rồi nhốt trong phòng, 7 ngày 7 đêm không cho ăn cơm uống nước. Đến ngày thứ tám, cậu công tử nhà giàu tưởng mẹ mình đã đói chết nên mở khóa cửa. Thấy mẹ mình nằm thoi thóp dưới đất, còn chút hơi thở. Cậu hỏi mẹ mình: “Bà nói cái gì?” Trong cổ họng khàn khàn của người mẹ đã phát ra một chữ “nước”.

Vị công tử nhà giàu nghĩ rằng: “Được, mình sẽ cho thêm chút tro vào trong nước, bà ta không bị nghẹn chết thì cũng sặc chết”. Cậu công tử nhà giàu mang nước tro ra cho mẹ mình, khi uống xong quả thực người mẹ đã bị sặc chết.

Thần Thông đại sư huynh nghe xong dường như đã hiểu ra điều gì đó. Tiểu hòa thượng mỉm cười: “Đây chính là báo ứng của đệ”. Sau đó tiểu hòa thượng nằm trên giường, chỉ một lúc sau đã tắt thở.

Con người sống trên đời gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Nhân quả tuần hoàn, thiên lý soi rọi. Vì thế, mỗi người hãy sống sao cho đúng, làm tròn hiếu đạo, nếu không hiếu thuận với cha mẹ thì thật uổng phí cuộc đời.