1. Đạo của nước – Đạo dung dưỡng sự sống
Diện tích bề mặt của hành tinh chúng đang sống chứa ba phần tư là nước. Trong cơ thể người cũng mang khối lượng nước tương tự như thế. Tạo hóa đã mang điều kỳ diệu đó đến với vạn vật, bởi ngoài không khí ra thì nước là nguồn nuôi dưỡng sự sống. Thiếu nước trong một ngày, chúng ta coi như đã sinh hoạt một cách cằn cỗi và héo khô.
Tất cả các nền văn minh từ cổ chí kim, cổ đại hay trung đại và cho đến tận bây giờ, đều cần đến nguồn nước từ thiên nhiên mà tạo nên sự thịnh vượng. Nhờ có sông hồ, biển cả mà con người mới có “con đường tơ lụa”, giao thương giữa các quốc gia, châu lục với nhau. Cho nên trong các tôn giáo ngày xưa, người ta vẫn thường thờ cúng vị thần Nước, thần Sông, thần Biển… như một lời khẩn cầu về một năm mưa thuận gió hòa và cảm ơn đến tạo háo cho vụ mùa bội thu.
2. Đạo của triết lý “thuận theo tự nhiên”
Nước dường như trường tồn và bất tử. Nhưng thực tế nó tuần hoàn mãi theo thời gian chứ không giống với sự hao mòn của những vật chất khác có trong vũ trụ. Đôi khi bốc hơi và ngưng tụ lại thành mây mưa, lúc biến dạng từ thể lỏng sang thể rắn để thành viên đá… Điều này cho thấy sự thích nghi mạnh mẽ của nước, thuận theo môi trường, và thuận theo tự nhiên.
Con người vận dụng quy tắc chảy của nước và đạo của tự nhiên để sống nhu hòa, mềm mại. Người trí tuệ học đạo của nước để tu dưỡng bản tính của chính mình. Ngàn đời vẫn vậy, nước thì cứ chảy và người vẫn liên tục học theo.
3. Đạo của lòng bao dung, vô ngã
Khi thế giới con người chưa biết đến tấm gương soi, cổ nhân chỉ dùng nước để nhìn hình ảnh phản chiếu của vạn vật, vì nó trong vắt. Mặt nước tuy tĩnh lặng và trong sáng nhưng chỉ cần một chiếc lá rụng xuống, một hạt cát rơi hay một cánh bướm sa vào cũng đủ làm cho nước sinh ra những gợn sóng nhỏ.
Người tu tâm dưỡng tính biết được đặc tính của nước liền dùng đó để thấu tỏ lòng người. Kẻ tầm thường muốn thu đạt hết mọi thứ trong đời không bao giờ so sánh được với sự bao dung, vô ngã của nước. Mọi vết ố bẩn đều có thể được tẩy rửa bằng nước. Cảnh giới cao nhất của đạo chính là từ bi và bao dung hết thảy vạn vật trên đời.
4. Đạo của tính uyển chuyển, linh hoạt
Không có một vật chất nào lại linh hoạt, uyển chuyển như nước, thích ứng ngay lập tức với mọi hình thái của vật chứa đựng nó. Điều đó tạo cho có nước muôn hình thái khác nhau dù có ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nước trong đại dương, sông hồ, ao biển vốn dĩ mềm mại, yếu đuối. Nhưng khi chảy xiết như một ngọn thác, nước có thể làm mòn sỏi đá, xói mòn cả những vách núi dựng đứng.
Thế gian không gì nhu hòa được như nước nhưng cũng không có bất cứ vật chất gì có sức công phá chậm rãi nhưng lại mạnh mẽ đến vậy. Những cơn thịnh nộ từ biển khơi cho thấy cơn sóng thần có thể cuốn phăng đi tất cả. Con người dường như trở nên nhỏ bé bằng hạt cát khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ. Đạo của nước còn vô vàn ý nghĩa mà chúng ta vẫn chưa khám phá hết.
5. Đạo của tính tự tại khiêm nhường
Dù bốc hơi lên đã thành đám mây, nhưng gặp trời nắng gắt nước cũng chẳng ngại đổ mưa rơi xuống tận cùng hố sâu, hang hốc. Len lỏi qua mọi chỗ trũng hay vách ngăn. Nước không phân biệt vùng nông thôn hay thành thị, nó đi vào trong từng ngóc ngách kể cả nơi phồn hoa đô hội hay bùn hôi ao hồ. Việc của nước là đem sự tươi mới và sức sống đến muôn nơi.
Lão Tử – người khai sinh Đạo giáo nói rằng: “Mọi người ở trên cao riêng nước ở dưới thấp, mọi người ở chỗ dễ chịu riêng nước ở chỗ hiểm trở, mọi người ở chỗ sạch sẽ riêng nước ở chỗ dơ bẩn, chỗ nước ở là chỗ mà mọi người ghét thì ai còn tranh giành với nước được đây“… Chiếc kim vì cứng nên mới gãy, dòng nước nhờ mềm mại, uyển chuyển mà được vẹn toàn.
Kết: Lão Tử từng nói: “Người thiện thì ta thiện, , người không thiện, ta vẫn cứ thiện, đó chính là Thiện”. Tâm tính trong sạch như nước, lối sống thanh sạch như gương, sở hữu vẻ ngoài trầm tĩnh, tinh thần hướng thiện, chất phác… đó chính là “Đạo của nước”.