Trong giới triết học người ta vẫn luôn tìm hiểu mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần, và vẫn luôn phân tách rằng “Vật chất có trước hay tinh thần có trước?”. Nhưng cũng như sự ảnh hưởng của tâm thức lên thân thể con người, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm thấy mối lên hệ giữa vật chất và ý thức.

Đạo đức rất được người xưa xem trọng. Lịch sử qua sự thịnh suy của các triều đại đã cho thấy khi triều đại nào đó suy vong thì vấn đề đạo đức của nó cũng đã đến giai đoạn xuống dốc trầm trọng. Tại sao? Bởi vì đạo đức thật sự có thể giúp con người thuận theo sự phát triển hài hòa với tự nhiên và hợp với đạo trời, khiến lòng người ổn định, xã hội cũng ổn định. Nó thật sự là thước đo của sự phát triển văn minh và sự an định của xã hội.

Khi các giá trị tinh thần nâng cao lên thì thân thể cũng biến đổi

Cổ nhân thường nói: “Tướng do tâm sinh”. Phương Đông thời xưa xuất hiện nhiều môn nghiên cứu về tướng số, căn cứ vào tướng mạo, khí sắc, để đoán về số mệnh con người. Người xưa tin rằng vẻ bề ngoài cũng phần nào phản ánh của nội tâm con người, và cũng phản ánh vận mệnh tốt xấu của người đó. Các vấn đề như đau khổ, căng thẳng, lo âu cũng đều bắt nguồn từ việc tâm lý con người bị dính mắc. Điều đó tác động lên thể xác và khiến cơ thể mất cân bằng, bệnh tật kéo đến. Muốn thay đổi cuộc sống thì đầu tiên phải thay đổi cái tâm của người ta, khi tâm thay đổi thì cơ thể cũng biến đổi theo.

Sự ảnh hưởng của tinh thần tới vật chất không chỉ có trong văn hóa xưa, mà thật sự đã được các nhà khoa học nghiên cứu. Một nhà khoa học người Nhật là tiến sĩ Masaru Emoto, chủ tịch Học viện Hội Hado Quốc tế (IHM), tác giả cuốn sách “Thông điệp của nước”, đã làm rất nhiều ngiên cứu khoa học và chứng minh được rằng nước có thể bị ý thức con người tác động (Xem bài: Thiện niệm và nước). Nghiên cứu này gợi mở cho chúng ta điều gì? Đó là ý thức con người có thể thay đổi vật chất và môi trường xung quanh. Nước có mặt ở khắp nơi trên địa cầu, chiếm một lượng lớn trên hành tinh chúng ta, cơ thể con người cũng có 70% là nước. Vậy nên sự tác động của ý thức đối với cơ thể và đời sống của con người to lớn hơn chúng ta vẫn tưởng rất nhiều.

Người xưa luôn giảng về tu dưỡng đạo đức, và luôn đề cao giá trị đức, phải chăng họ đã hiểu được rằng, đạo đức quan trọng như thế nào đối với con người. Khi đề cao giá trị đạo đức thì đời sống vật chất tinh thần con người cũng thăng hoa lên. Các tín ngưỡng và triết học trong quá khứ cũng giảng rất nhiều về điều này, Lão Tử viết cuốn “Đạo đức kinh” nhấn mạnh về đức, Nho Giáo giảng về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và những quy tắc chuẩn mực làm người… Điều đó cho thấy giá trị đạo đức quan trọng như thế nào trong xã hội xưa.

Trong xã hội ngày nay, đạo đức con người đang trượt dốc, chuẩn mực đạo đức cũng vì thế mà bị biến đổi theo. Xã hội đã biến thành một nơi tranh giành, đấu đá lẫn nhau, ai có thể sành sỏi hoặc tinh ranh thì kẻ đó được xem là khôn ngoan và giành thắng lợi. Nhưng chính họ lại luôn sống trong mệt mỏi vì lúc nào cũng phải gồng mình lên và đề phòng kẻ khác.

Đức quyết định sự tồn vong của con người

Thuyết về số mệnh của con người vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Ngày nay nhiều người cũng không tin vào số mệnh và cho rằng tự mình có thể quyết định và thay đổi số phận của mình. Tuy nhiên không ai có thể nắm giữ hết thảy những quy luật to lớn chi phối tới đời sống con người. Con người chỉ là một thực thể nhỏ bé của tự nhiên và những quy luật vận động trong xã hội. Những quy luật vận hành khách quan đó vượt ra khỏi phạm vi mà sức người có thể thay đổi được.

Có câu “Đức năng thắng số”, điều đó có nghĩa là gì? Những ai mà biết tu tâm sửa tính, rèn luyện và thay đổi bản thân thành người tốt thì có thể cải biến vận mệnh. Điều này vẫn luôn được các vị minh sư khẳng định trong giới tín ngưỡng tâm linh. Và nó cũng được chứng minh trong giới khoa học thông qua các khám phá tương tự nghiên cứu của tiến sĩ Masaru Emoto về nước mà chúng ta đã nói tới ở trên.

Đạo đức là giá trị thiện lành, và nó mang đến cho nhân loại những điều tốt đẹp, thay đổi môi trường sống xung quanh, đưa con người về với yêu thương và bao dung. Đó chính là điều mà văn hóa truyền thống xưa luôn đề cập.

Xã hội muốn vươn đến hoàn mỹ thì việc đánh giá chất lượng cuộc sống không nên là về giá trị vật chất mà là vế giá trị tinh thần. Đạo đức giống như một thứ nhiên liệu thật sự quyết định sự tồn vong của con người, không có thứ đó thì con người coi như đã chết, dù thể xác của họ vẫn còn đang hoạt động.