Đạo tu thân trị quốc của cổ nhân được đúc kết từ quá trình quan sát lịch sử và sự hưng suy của mỗi triều đại. Trong các bộ sách về đạo trị quốc thì nổi tiếng nhất và công phu nhất có lẽ là “Quần thư trị yếu”. Đây là một bộ sách kinh điển ra đời dưới thời vua Đường Thái Tông, biên soạn dựa trên hơn 14.000 bộ và hơn 89.000 quyển sách của người đi trước, tập hợp tri thức trị quốc của tiền nhân.

“Quần thư trị yếu” quyển thứ 46, “Trung luận”, có viết:

Đối với một sự việc thì trong tâm mỗi người đều có biện pháp xử trí, còn về việc sử dụng biện pháp ấy như thế nào, thì mỗi người mỗi khác. Có người dùng để trị kẻ khác, có người dùng để tu sửa bản thân. Tu sửa bản thân tức là trị mình, vậy nên mới có thể kiến lập đức hạnh, thành tựu sự nghiệp mà ít kết oán với người. Kẻ tiểu nhân khi xử lý công việc trước tiên đều truy cầu những điều nhỏ nhặt, tức là trị người, cho nên không thể thành tựu sự nghiệp, mà còn gây thù kết oán rất nhiều.

Trong cuộc sống, người ta thường trong vô tri mà “trị người”, ngẫm xem mình có chỗ nào không đúng dường như rất khó, nhưng khi tìm khuyết điểm của người khác lại thường nói trúng phóc chỉ trong vài lời. Vậy nên “Quần thư trị yếu” mới cảnh tỉnh rằng: “Dụng hồ kỷ giả, vị chi vụ bổn”, chỉ khi nhìn thấy khiếm khuyết của bản thân, mới có thể quy chính lại khuyết điểm, sửa chữa sai lầm, mới có thể đề cao tu dưỡng của bản thân, đây là cái gốc của con người vậy.

Trong “Lễ Ký” có chép lại một đoạn đối thoại kinh điển như sau:

Sở Trang Vương hỏi Chiêm Hà rằng: “Xin hỏi làm thế nào mới có thể trị vì quốc gia?”

Chiêm Hà đáp: “Thần chỉ minh bạch đạo lý tu thân, không minh bạch đạo trị quốc.”

Sở Trang Vương nói: “Quả nhân cần cung phụng tông miếu, cai quản quốc gia, hy vọng học được phương pháp nắm giữ điều này.”

Chiêm Hà đáp: “Thần chưa từng nghe nói bậc quân vương tự thân tu dưỡng rất tốt nhưng cai trị quốc gia lại hỗn loạn, cũng chưa từng nghe nói rằng bản thân quân vương tu dưỡng không tốt nhưng quốc gia lại thái bình. Cho nên cái gốc của trị quốc là nằm ở việc tu dưỡng của bản thân bậc quân vương, còn về những điều vụn vặt khác thần không dám nói với ngài.”

Sở Trang Vương khen: “Ngài nói rất phải.”

Đạo trị vì của người quân tử cũng vậy, trước tiên phải nắm được cái gốc, từ đó kiến lập đức hạnh, như vậy mới ít kết oán thù. Trị mình, tu thân, tức là không ngừng kiểm điểm đức hạnh của mình. Nếu xét thấy bản thân vẫn còn thiếu sót thì cần không ngừng tu sửa, có vậy phúc trạch mới bền lâu.

Tăng Tử nói: “Mỗi ngày ta phản tỉnh bản thân ba lần”, lại có câu rằng: “Trách mình trước, trách người sau”. Một người có tố chất sẽ tìm thấy vấn đề từ chính mình. Chỉ những người không dám gánh vác, muốn trốn tránh trách nhiệm mới chỉ mũi dùi về phía người khác. Thường tự xét mình, suy ngẫm về sai sót của bản thân sẽ giúp con người ngày càng hoàn thiện, gặt hái thành công.

“Đại học” chép: “Tự thiên tử dĩ chí vu thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn”, ý tứ là mọi người trong thiên hạ, từ vương giả cho tới dân thường, ai ai cũng đều phải lấy “tu thân” làm gốc. Đây là cái gốc làm người, là cái đạo làm người, là nguyên lý căn bản nhất của một con người trong xã hội.

Cụ thể của việc tu thân chính là phải “ước”, Luận Ngữ viết: “Dĩ ước thất chi giả, tiên hĩ!”, nghĩa là người nào có thể kìm giữ mình thì sẽ ít bị thất bại. Chỉ cần có thể ước thúc bản thân mình, thì sẽ rất ít khi phạm phải sai lầm. Khổng Tử dạy Nhan Uyên: “Việc trái với lễ thì chớ xem, điều không hợp với lễ thì chớ nghe, điều không hợp lễ thì chớ nói, điều không hợp lễ thì chớ làm”, có thể tạm gói gọn đạo tu thân trong vài ý như vậy.