Trong xã hội hiện thực, khi gặp việc không như ý, người ta rất dễ dàng oán trời trách đất không công bằng. Kỳ thực, bậc trí giả không oán trách số phận, đối với mỗi người mà nói, số phận là vô cùng công bằng, bởi điều kiện tiên quyết cho may mắn và cơ hội chính là đức hạnh và năng lực của bản thân mình đã đủ hay chưa.

Có một câu chuyện kể rằng, trước đây có một thanh niên trẻ tuổi tự cho rằng mình rất có tài năng nhưng mãi vẫn không được ai trọng dụng. Anh ta tìm kiếm rất nhiều nhưng dường như may mắn vẫn không mỉm cười với mình. Vì thế, anh ta luôn có vẻ mặt buồn khổ, rầu rĩ. Một lần, thanh niên trẻ tuổi thất vọng đến chất vấn một vị trí giả: “Vì sao số phận của tôi lại bất công như vậy?”

Vị trí giả nghe xong, trầm mặc không nói, chỉ cúi xuống nhặt lên một hòn đá nhỏ. Ông ta đưa tay ném hòn đá nhỏ vào một đống đá lớn đằng trước mặt rồi nói: “Cậu hãy ra tìm hòn đá mà tôi vừa ném đó về đây!”

Người thanh niên tiến đến bên đống đá và bắt đầu tìm kiếm. Anh ta tìm mãi, kết quả vẫn không chắc chắn đó là viên đá nào.

Lúc này, vị trí giả lấy chiếc nhẫn vàng của mình ra và ném vào đống đá lúc nãy rồi bảo thanh niên trẻ tuổi đến tìm. Kết quả là rất nhanh chóng, người thanh niên đã tìm được chiếc nhẫn mang lại cho vị trí giả.

Vị trí giả không nói thêm lời nào, nhưng người thanh niên đã tỉnh ngộ: Khi bản thân mình chỉ là một hòn đá bình thường thì đừng nên oán trách số phận bất công, nếu bản thân mình là “chân kim” (vàng thực sự) thì sẽ tự có thể tỏa sáng.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta gặp được một số người như người thanh niên trẻ tuổi kia, cứ tự nghĩ rằng mình là “chân kim” nhưng kỳ thực bản thân người đó có thể vẫn còn đang là “hòn đá nhỏ” mà thôi. Nếu một người muốn nổi trội hơn những người khác thì đương nhiên người cần phải có phong thái của “chim hạc giữa bầy gà” vậy. Chỉ một chút xem thường và xem nhẹ của người khác mà bản thân đã không thể nhẫn nhịn nổi, thì sao có thể đạt được sự huy hoàng mai sau?

Một người nếu muốn bản thân trở thành xuất chúng hơn người thì phải cố gắng để tự mình trở thành “vàng thật sự”. Có như vậy, người khác mới dễ dàng nhận ra và thừa nhận chúng ta.

Trong cách làm người hay đối nhân xử thế, chúng ta không nên quá để ý đến cái nhìn hay sự đánh giá của người khác, mà nên thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân mình phải làm tốt nhất những gì có thể. Một người khi làm một việc tốt cũng không cần phải lo lắng người khác có nhận biết được điều đó hay không, bởi vì “Nhân tâm sinh nhất niệm, trời đất tận giai tri”, làm điều gì thì cũng là Trời biết, Đất biết, lương tri của bản thân mình biết. Mặc dù không phải lúc nào phúc báo cũng là công danh lợi lộc, nhưng chắc chắn sẽ là điều tốt đẹp nhất cho người ấy ứng với đạo Trời.

Cổ ngữ nói: “Ở trong sâu thẳm, thiên lý luôn tồn tại”, đặc tính của vũ trụ là Đạo chế ước hết thảy những vật chất có trong vũ trụ. Cho nên, trong cuộc sống, người có đức tự sẽ có phúc báo, người làm ác ắt sẽ bị trừng trị. Thiên lý là sáng tỏ và công bằng, lưới trời tuy thưa mà khó lọt, trên đầu ba thước có thần linh, ai có thể thoát khỏi báo ứng ấy? Một người chỉ cần có tâm kính sợ, không ngừng đề cao tu dưỡng đạo đức và năng lực của mình, phàm là việc gì cũng tận tâm tận sức thì nhất định sẽ có ngày đạt được thành tựu đáng có.

Thành ngữ cổ cũng có câu:“Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê”, cây đào và cây mận mặc dù không nói lời nào nhưng bởi vì có hoa đẹp và quả ngon nên mọi người tự tìm đến đứng dưới gốc cây mà ngắm hoa và hái quả ăn, cứ như thế, tự nhiên sẽ tạo thành một lối đi nhỏ dưới gốc cây. Một người có tinh thần cao thượng, có tài năng thực sự sẽ không tự nói, càng không khoa trương về tài hoa và năng lực của bản thân mình. Mặc dù họ không tự nói hay khoe khoang ưu điểm và sở trường của mình nhưng phẩm đức cao thượng này cũng tự nhiên được mọi người tôn kính và ca ngợi.

Người có phẩm đức cao quý ấy cũng giống như hoa lan vậy, tuy rằng mọc ở trong núi sâu, nhưng không vì không ai biết đến mà không tỏa hương thơm ngát. Nếu bạn là chân kim thì tự sẽ tỏa sáng, trên thế giới không có vật gì có thể che lấp được ánh sáng thuần chính ấy cả.