Hư vinh thực chất là một hình thức lừa người lừa mình, bởi vì không có nên mới cố gắng thể hiện, nỗ lực cả một đời chỉ để nhận được sự ngưỡng mộ của người khác, đến cuối đời mọi thứ cũng hóa hư vô. Người thật sự có tất cả là người không khoe khoang, không làm nô lệ cho vật chất phù phiếm, sống một cuộc đời mới thanh thản và ý nghĩa.

Trong “Thập Bát Xuân” của Trương Ái Linh có viết: “Đối với những người ba mươi tuổi trở lên mà nói, mười năm tám năm chẳng qua chỉ là một khe hở của ngón tay; còn đối với người trẻ tuổi mà nói, ba năm hay năm năm có thể là một đời một kiếp”. Nhưng xã hội bây giờ, mù quáng theo đuổi hư vinh hơn là tuổi trẻ.

“Hư vinh” là một kiểu lừa gạt người khác, cũng là một hành vi lừa gạt chính mình. Để thỏa mãn tâm hư vinh của bản thân, rất nhiều người đã không ngần ngại dùng những thủ đoạn lừa dối, gian xảo để tạo nên vỏ bọc bản thân với mong muốn được ánh nhìn ngưỡng mộ của người khác. Loại này trông như một chuyện nhỏ không đáng kể, nhưng sẽ phá hoại cả thanh xuân của một người, thậm chí là thời gian vàng bạc của người khác.

Vì hư vinh, chúng ta có thể thấy rất rõ nhiều người tìm người yêu, mua những trang sức xa xỉ, dùng những loại điện thoại mắc tiền, lái loại xe nổi tiếng, chỉ là để hy vọng có thể khoe những cảnh ân ái, danh phận trên mạng xã hội, nhưng lại không để ý rằng liệu điều đó có vượt quá ra ngoài phạm vi trách nhiệm của chúng ta hay không.

Có người yêu rồi, thì phải tốn thời gian để bên cạnh nhau, nuôi dưỡng mối quan hệ cho nhau thật tốt. Ngày nghỉ, đón tết tốn không ít tiền để mua hoa, tặng quà, đặt bàn ăn; mua rất nhiều trang sức xa xỉ, bỏ ra nhiều tâm huyết bảo vệ, lo lắng sẽ bị tổn hại; dùng những loại điện thoại mắc tiền, còn phải ngày ngày theo dõi thông tin, khi vừa có kiểu điện thoại mới trên thị trường, phải lập tức đi mua cho bằng được, nếu không sẽ trở thành lỗi thời; lái những chiếc xe nổi tiếng, mỗi tháng tốn tiền vay không nói, lại còn phải tốn một khoản tiền dưỡng xe.

Ham muốn được chia sẻ trước mặt người khác nhưng lại không chú ý đến cái giá phải trả sau những việc đó, có rất nhiều người kiếm được bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu, đầu tháng vừa lãnh lương, chưa đến cuối tháng thì trong túi đã hết sạch, chẳng còn lại gì. Không thể trả tiền, với tình trạng thu nhập lại có giới hạn chỉ có thể nghĩ ra cách khác để cố gắng trang trải khó khăn. Những việc này lại không được đem ra để thảo luận trên mạng xã hội mà chỉ biết cất sâu vào trong lòng, vì e ngại sau khi mọi người biết được sẽ cười chê.

Trong lòng càng thiếu thứ gì thì sẽ càng muốn thể hiện thứ đó. Đây chính là tình trạng chung của mọi người, nhưng chúng ta cần phải làm những gì trong giới hạn.

Có người không mong mỏi những thương hiệu nổi tiếng, ngôi nhà sang trọng, xe thể thao, thường ru rú trong nhà, đi làm thì không lái xe mà ngồi xe buýt công cộng hoặc tàu điện ngầm. Vì đối với họ mà nói, phẩm chất không cần phải biểu hiện ra ngoài, tự bản thân hiểu rõ là được. Có người thì lại không để ý những hư vinh mà lại dùng tính lương thiện để chăm chỉ nỗ lực đạt được thành công, giúp đỡ những gia đình nghèo khó cần được hỗ trợ khẩn cấp. Trong mắt của bọn họ, tiêu tiền như thế mới là có ý nghĩa.

Một người biết tu dưỡng sẽ không cố chấp thể hiện bản thân mình với những chuyện nhỏ nhặt này, trái lại sẽ bỏ qua nó, đem tài nguyên của bản thân ra để sử dụng vào những mục đích thiết thực hơn.

Liệu bạn có còn nhớ lúc chúng ta còn nhỏ, cha mẹ luôn bên cạnh đọc sách, dắt chúng ta ra ngoài đi chơi. Bây giờ chúng ta đã trưởng thành, đã bỏ ra được bao nhiêu thời gian để bên cạnh họ rồi? Tôi tin rằng phần lớn các bậc cha mẹ sẽ không quan tâm chúng ta tặng họ bao nhiêu món quà, tốn bao nhiêu tiền để mua thực phẩm dinh dưỡng, mà thứ bọ họ thật sự cần có lẽ chỉ là được bên cạnh chúng ta trong chốc lát. Chúng ta nên bớt mua những túi đồ hàng hiệu, tiết kiệm một chút tiền để khi đến ngày nghỉ, có thể dắt họ ra ngoài chơi vài ngày.

Tiền, đủ dùng là được. Hãy nhìn xem xung quanh bạn có bao nhiêu món đồ được mua bởi một phút kích động? Nếu như chúng ta tiết kiệm những số tiền này, áp lực của chúng ta có phải bớt đi rất nhiều rồi không? Chất lượng cuộc sống có phải tốt hơn không?