Nhiều hiện vật phong phú tại triển lãm “Nếp xưa” gợi nhớ cuộc sống các gia đình khá giả, đồng thời khắc hoạ một phần giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Triển lãm “Nếp xưa” đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội giới thiệu tới công chúng gần 200 tài liệu hiện vật xưa cũ, gợi nhớ không gian sinh hoạt của người Việt cách đây 100 năm.

Bộ bàn trà làm bằng gỗ gụ, sơn nâu với 5 món gồm bàn, ghế dài, hai ghế tựa và đôn. Bề mặt được khảm trai, chạm trổ hoa lá, chim bướm, bầu rượu, túi thơ.

Bộ tranh tứ bình và tranh chim công “Phú Quý cao quan đồ” là những hiện vật trang trí đắt giá của nhiều gia đình Việt giàu có xưa. Bộ tranh tứ bình được cấu tạo bằng gỗ, gắn xương có chạm khắc nhân vật, nhà cửa, các tích truyện cổ Trung Quốc (Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc Diễn Nghĩa…). Tranh chim công được vẽ mang hàm ý đạt công danh, phú quý.

Mảng chạm khắc gỗ sơn son thếp vàng ở phần chân đế của tủ thờ.​​​​​​​

Ảnh tư liệu thiếu nữ Hà Nội với trang phục áo dài.

Áo ngũ thân 5 khuy, tay chẽn thời kỳ này rất được ưa dùng cho cả đàn ông (trái) và phụ nữ (phải). Khi mặc chỉ cài 4 chiếc, để hở khuy cổ.​​​​​​​

Bộ cửa gỗ trang trí song sắt ảnh hưởng phong cách kiến trúc Pháp.​​​​​​​

Hoành phi gỗ sơn son thếp vàng khắc hai chữ Hán “hòa khí” đặt tại phòng khách, thể hiện mong muốn gia đình hòa thuận, vui vẻ.​​​​​​​

Chiếc sập gỗ khảm trai, đề tài ngũ phúc bổng thọ. Công năng thường là nằm ngủ, ăn cơm, uống trà, tiếp khách.​​​​​​​

Là người đam mê chơi và sưu tầm cổ vật, anh Nguyễn Tuân (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Hiện vật trưng bày tại triển lãm gợi lại cho tôi rất nhiều ký ức tuổi thơ, về thời của ông bà, cha mẹ và không gian quê hương mình từng sinh sống thuở còn nhỏ”.​​​​​​​

Triển lãm “Nếp xưa” còn thu hút cả du khách nước ngoài. Chị Kim (Hàn Quốc) cho biết: “Tôi rất thích văn hoá Việt Nam, triển lãm này giúp tôi hiểu thêm được văn hóa của người Việt Nam thời gian đầu thế kỷ XX”.​​​​​​​