Khi đối nhân xử thế, nếu luôn mang tâm ngạo mạn, dối trá, đố kị, hoài nghi, thì tự mình sẽ làm cho người khác xa lánh. Thời cổ đại, các bậc thánh hiền hay những người giác ngộ dù có trí tuệ thâm sâu đến mấy vẫn có thể tiếp nhận được hết thảy ý kiến phê bình, lại có thể bao dung người khác, đối nhân xử thế rất khiêm tốn đúng mực.
Người có tâm ngạo mạn sẽ đặt mình lên trên, tự thấy mình ưu việt hơn để mà cợt nhả người khác. Với những ai địa vị thấp hơn mình, hay những ai cần mình, thì người đó sẽ không chỉ trước mặt không tôn trọng, mà còn thầm cười nhạo sau lưng.
Nhìn vào những người có hành vi ngạo mạn, bạn sẽ thấy họ thật đáng cười chê, chỉ vì chút khả năng mà vênh váo mãi không thôi. Bản thân người như thế nếu có thể tự kiểm điểm, thì cũng sẽ xấu hổ đến mức toát mồ hôi đầm đìa.
Người mang tâm dối trá thì nặng nề nhất là người mà ngôn từ mười phần uyển chuyển dễ nghe, nhưng trong lòng lại hoàn toàn trái ngược. Bề ngoài đối với người khác tốt đẹp, nhưng lại âm thầm đâm chọc sau lưng. Người như thế, có thể trong lúc ngắn ngủi ban đầu được người khác ngưỡng mộ, nhưng qua lại đôi lần sẽ lộ rõ bản tính.
Nhìn loại người dối trá này, bạn sẽ thấy cần phải tránh xa, không muốn cùng họ ở chung. Bản thân chúng ta khi nói việc dối lòng cũng sẽ mất tự nhiên, cảm thấy xấu hổ trong tâm. Vậy mà những người mang tâm dối trá lại nói nhiều quen miệng, chẳng hề thấy đỏ mặt.
Người có tâm đố kị thường nghĩ rằng mình có khả năng hơn người. Vậy nên khi nghe người khác được khen thì lấy làm tức giận ghê lắm, cho rằng lời khen ấy là sai. Khi người khác có điều gì vui, thì lại cảm thấy bực bội, tìm đủ lý do để chê bai ngờ vực, lấy đủ cái cớ để hạ thấp người ta. Loại người này sẽ lấy chỗ yếu của người khác làm niềm vui nhỏ nhen của mình, sử dụng ưu điểm của mình để đánh giá nhược điểm của người khác.
Đối với người có tâm đố kị, thì phần lớn cuộc đời họ sẽ chẳng tìm đâu ra được một phút bình yên, vì luôn cảm thấy bất bình trước thành công của người khác. Cuộc sống đối với họ quả là hết sức mệt mỏi.
Người mang tâm nghi ngờ, nghe người ta nói điều gì đó, có thể chỉ là thuận miệng nói một chút thôi, kẻ ấy lại cứ mãi nghĩ rằng: “Người này rốt cục cười nhạo ta hả? Kẻ ấy lại chế giễu ta việc gì đây?”. Người như thế thường là từ đó bắt đầu kết oán với người khác.
Người có tài đức và kiến thức nghe người khác giễu cợt mình thì thường hoàn toàn chẳng để tâm, như thế không phải là giảm bớt rất nhiều điều phiền não sao?
Ngạo mạn, dối trá, đố kị, hoài nghi đều là những chủng tâm rất xấu. Muốn học đạo đối nhân xử thế, thì không chỉ cần học cái hay của người, mà còn phải loại bỏ đi những cái dở của mình. Chính vì thế, bốn chủng tâm trên nhất thiết cần phải bỏ.