Cổ nhân luôn cho rằng mỗi người khi sống đều cần tu dưỡng đạo đức, phù hợp với thiên lý mới mong được bình an, hạnh phúc. Có câu: “Thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong”, người sống thuận theo lý của trời thì sẽ ngày càng hưng thịnh, người chống lại lý của trời thì tất sẽ bị tiêu vong. Người có đức hạnh hiểu rõ rằng thiên lý chẳng thể làm trái, vậy nên dẫu ở trong hoàn cảnh nào họ cũng suy xét đến hành vi, lời nói của mình, giữ bản thân thanh liêm trong sạch. Người thiện lương dù không cầu báo đáp nhưng cuối cùng vẫn nhận được hồi báo và phúc lành.
Trong Sử Ký có kể chuyện về Đế Thuấn như sau: Thuấn cày ở Lịch Sơn thì người Lịch Sơn đều nhường bờ ruộng; bắt cá ở Lôi Trạch thì người Lôi Trạch đều nhường chỗ ở; làm góm ven Hoàng Hà thì đồ gốm ven Hoàng Hà đều không còn thứ thô xấu. Sau một năm thì nơi Thuấn ở thành thôn xóm, sau hai năm thành thành ấp, sau ba năm thành đô thị. Đây chính là người thiện lương có đức dày, đi tới đâu thì mang phúc lành đến đó, cảm hóa lòng người, khiến vạn vật quy về cái Thiện.
Những người như vậy dù chuyện về họ không nhiều, nhưng mỗi khi đọc đến đều làm người ta cảm thấy thán phục, khó mà tưởng tượng. Trong cuốn Lương Thư cũng kể câu chuyện về một vị quan như thế, gọi là Phó Chiêu truyện.
Phó Chiêu là người Linh Châu, làm quan trải ba triều đại Tống, Tề và Lương. Ông là một vị quan thanh liêm, tu thân trọng đức, yêu mến bách tính, được mọi người kính phục.
Phó Chiêu mất cha từ khi còn nhỏ, cuộc sống rất vất vả. Năm 11 tuổi, ông từng được một vị quan thứ sử để mắt đến. Ấy vậy mà khi vị quan đó đích thân tới thăm nơi ở của ông, Phó Chiêu vẫn đọc sách như thường, thần sắc không đổi. Vị quan liền nói rằng: “Đứa trẻ này thần thái đặc biệt, tương lai ắt sẽ trở thành bậc quý nhân”.
Phó Chiêu học rộng đa tài, tiếng lành đồn xa. Triều đình từng lệnh cho Phó Chiêu đảm nhiệm việc dạy học cho Nam Quận Vương. Sau này Nam Quận Vương kế thừa ngai vàng, quần thần thân thích tranh nhau mưu lợi, thăng quan phát tài, nhưng Phó Chiêu vẫn giữ bản thân trong sạch, không hùa theo thời thế.
Triều đình từng bổ nhiệm Phó Chiêu nắm việc soạn thảo chiếu lệnh. Đây là một chức vị có quyền hành lúc bấy giờ, thường xuyên nhận được quà biếu. Hai vị quan trước đó đảm nhiệm chức vụ này đều thu về rất nhiều tiền tài. Nhưng Phó Chiêu vẫn liêm khiết, giữ mình trong sạch, không hề lạm dụng quyền chức nhận dẫu chỉ một món đồ.
Phó Chiêu không làm việc hổ thẹn với lương tâm, không bẻ cong pháp luật, hàng ngày đều vui vẻ với cơm canh đạm bạc. Đồ dùng và y phục trong nhà đều vô cùng giản tiện, thậm chí tới đài thắp nến cũng không có. Ông thường cắm nến trên đầu giường.
Vào năm Thiêm Giám thứ 11, Phó Chiêu được phong làm quan nội sử tại An Thành. Quận An Thành từ đời Tống tới lúc đó thường xuyên có binh biến loạn lạc. Vì thế tương truyền rằng người dân thường nghe tiếng kêu và bị quấy nhiễu vào đêm khuya. Quan lại nhận chức tại đó rất ít người có kết cục tốt đẹp, mọi người đều sợ hãi, coi đó là nơi không may mắn.
Sau khi Phó Chiêu tới đây, có người trong quận mơ thấy ban đêm có một đám binh mã đi tới, nhưng sau đó không dám xâm phạm vào thành. Cũng từ đó về sau quận này được bình an, không bao giờ còn lâm vào cảnh bị quấy nhiễu đêm khuya.
Một điều lạ là trong quận thường có chuyện mãnh thú xuất hiện hại người. Từ khi Phó Chiêu tới nhậm chức, coi trọng giáo hóa, an định lòng dân, mãnh thú cũng còn không tới. Mọi người đều cho rằng nhờ Phó Chiêu trung trinh, chính trực, thiện hóa lòng dân khiến ma quỷ cũng phải tránh xa, mãnh thú ẩn nấp, tai họa tiêu biến.
Phó Chiêu đọc rất nhiều sách, người thời đó gọi ông là “học phủ”. Ông viết cuốn “Xử thế huyền kính”, khuyên con người hướng thiện, hoằng dương đạo đức, dạy con người bỏ ác hướng thiện, theo đuổi việc tu dưỡng đức hạnh.
Phó Chiêu để lại rất nhiều câu nói ý nghĩa như:
“Tuế hàn nãi kiến tùng bách bản sắc”, ý rằng người quân từ phải có sự cương cường và kiên nghị như cây tùng cây bách không sợ nghịch cảnh băng giá.
“Bất căng tế hành, chung hủy đại đức”, nghĩa là con người khi đối nhân xử thế chớ kiêu căng, phải luôn cẩn trọng, đừng vì bất cẩn trong những chuyện nhỏ mà hủy đi đức hạnh lớn lao.
“Khiêm khiêm quân tử, ty dĩ tự mục”, nghĩa là người quân tử có đức, có tu dưỡng thường khiêm nhường, hiếu lễ, giữ gìn phép tắc, quy củ.
“Phạt căng hiếu chuyên, cử sự chi họa dã”, kẻ kiêu căng ngạo mạn, độc đoán chuyên quyền sẽ mang tới những tai họa bất trắc khôn lường.
Phó Chiêu cũng khuyên mọi người rằng: Trung tín cẩn trọng là nền tảng của đạo đức, nhân nghĩa; giả dối, xảo quyệt là cái gốc loạn đạo. Phải có dũng khí sửa chữa sai lầm, tu thiện càng sớm càng tốt. Nếu mê lạc chẳng biết quay về sẽ càng rời xa đạo. Ông là người thiện lương, đôn hậu, chân thực, thương dân, làm quan không mưu lợi riêng, không làm chuyện mờ ám, coi trọng việc tu thân dưỡng đức, cả ngày ngồi ngay ngắn, coi đọc sách và viết văn là niềm vui, dẫu tuổi cao nhưng sức không yếu.
Con trai trưởng của Phó Chiêu làm quan thượng thư, con trai thứ hai đều làm quan lớn. Anh em con cháu nhà Phó Chiêu đều hiền đức, vinh hiển, thanh liêm có tiếng.
Thiện lương, chính trực không chỉ thể hiện ở hình thức bề ngoài mà nó là biểu hiện chân thực của nội tâm con người. Làm việc thiện, giữ gìn phẩm hạnh cao thượng, vô tư, vô ngã, không cầu danh cầu lợi, người như vậy không chỉ có thể quy phục nhân tâm, mà còn cảm động tới cả thiên thượng. Vậy nên người ấy không chỉ tích được đại đức cho bản thân mà còn mang phúc lành cho cả những người xung quanh nữa.