Con người đều có những thời điểm không thoải mái, nhưng đừng để người khác thấy được sắc mặt khó chịu của bạn. Làm người, cảnh giới cao nhất chính là để người khác được vui vẻ, lại khiến chính mình được thoải mái.
Vẻ mặt ôn hòa là lễ độ
Đối với người xa lạ, vẻ mặt ôn hòa là phép tắc căn bản nhất trong giao tiếp. Làm người, kiêng kỵ nhất chính là quá đề cao cảm giác của bản thân, đối đãi với người thân phận cao hơn thì mặt như gió xuân, đối đãi với người không bằng mình thì mặt như băng sương, coi thường hiển lộ rõ ra mặt.
Có câu rằng: “Sông có khúc, người có lúc”, ý nói đời người luôn biến đổi không ngừng, hiện tại bạn đối với người khác khinh thường, thì cũng sẽ có người khinh thường bạn. Con người phải học được cách hoán đổi vị trí để suy nghĩ, đối nhân xử thế cần có lễ độ.
Giữa người với người chính là có mối quan hệ qua lại, bạn trao cho người khác một cành hoa, trên tay sẽ lưu lại hương thơm. Bạn đối xử tốt với người khác, người khác mới có thể đối tốt với bạn; bạn đối xử lễ phép với người khác, người khác mới có thể lễ phép với bạn.
Có một câu chuyện thế này: Vào năm Trinh Quán thứ 7, Đường Thái Tông cho phép những tử tù được trở về thăm nhà, đợi năm sau trở lại nhà ngục chấp hành án tử hình. Nhưng qua một năm, đã đến ngày ước định, chỉ có một tù nhân là không trở lại nhà ngục. Trong lúc mọi người đều tức giận oán trách, thì người tử tù nọ lê tấm thân đầy bệnh tật của mình tiến tới. Đường Thái Tông không trách cứ người tử tù này, ngược lại vẻ mặt ôn hòa mỉm cười gật đầu, đại xá cho tử tù.
Vẻ mặt ôn hoà là sự tôn trọng
Đối với bằng hữu, vẻ mặt ôn hoà là một loại tôn trọng và thể hiện nhân cách của bản thân. Bằng hữu có rất nhiều loại: tâm đầu ý hợp, quen sơ sơ, bạn nhậu… Bằng hữu chân chính sẽ cùng bạn chung mưa gió, khi bạn đi sai đường sẽ thẳng thắn chỉ ra.
Khi bằng hữu chỉ ra sai lầm của mình, cần ôn hòa, khiêm tốn tiếp nhận. Nên biết rằng, không phải bằng hữu nào cũng có thể làm như vậy, bạn chỉ cần biểu hiện khó coi một chút, sẽ đánh mất đi những người thầy đáng trân quý này.
Chúng ta đều có những phút giây tâm tình không tốt, nhưng khi đó, đừng lấy bằng hữu xung quanh làm nơi trút giận, vẻ mặt khó chịu sẽ khiến cho tình bạn chịu tổn thương rất lớn. Tri kỷ khó gặp, bằng hữu như một cái gương, đánh vỡ rồi thì không cách nào khôi phục được hình dáng như lúc trước.
Đối đãi bằng hữu với vẻ mặt ôn hòa, học được cách loại bỏ những cảm xúc bất lương, đối với những kiến nghị của bạn bè thì khiêm tốn tiếp nhận.
Đường Thái Tông đối với những lời can gián thẳng thắng của thần tử đều luôn khiêm tốn tiếp thu. Một lần, Thái Tông có ý định đi dạo Lạc Dương, bèn hạ lệnh tu sửa cung điện Đông Đô. Trương Huyền Tố thấy vậy đã thẳng thắn can gián, nói rằng trong khi đất nước còn có trăm thứ cần tu bổ, thì việc đại tu cung điện này chính là đi theo con đường của Tùy Dạng Đế, kết cục e rằng cũng không khác mấy so với vua Trụ, vua Kiệt mà thôi.
Đường Thái Tông nghe xong, trong lòng nổi giận, nhưng sau khi suy đi nghĩ lại, ông đã ôn hòa mà nói với Trương Huyền Tố rằng mình đã không cân nhắc chu toàn, tiếp nhận lời can gián.
Đường Thái Tông đối với lời phê bình mạo phạm của thần tử mà vẫn giữ được vẻ mặt ôn hòa, chúng ta đối đãi với bằng hữu lẽ nào lại không thể giữ được thái độ ôn hòa như vậy?