Kinh Dịch viết: “Bất thành hồ danh, độn thế vô muộn”, ý nói người quân tử có bản lĩnh có học vấn nhưng không quan tâm đến việc thành danh hay không, họ lòng dạ rộng rãi khoáng đạt, nếu có ở ẩn suốt đời thì cũng không nhụt chí, chán nản. Trong hoàn cảnh xã hội phức tạp, người quân tử thường là người “lội ngược dòng”, nhưng chính họ lại là ánh sáng của lương tri. Cho nên đừng vì học vấn và kỹ năng không được phát hiện mà tâm sinh ra phiền não, oán hận. Giữ được tâm bình khí hòa trong mọi hoàn cảnh mới là tu dưỡng cao thượng của đời người.

Trạng Nguyên năm Càn Long đời nhà Thanh, thi nhân và thi họa gia Thạch Ngọc Uẩn viết rằng: “Tinh thần đáo xử văn chương lão, học vấn thâm thì ý khí bình”, tức là tinh thần phong phú thì văn chương sẽ hiển lộ ra sự chu đáo, học vấn cao thâm thì tính khí có thể bình hòa. Tâm địa của một người thanh tịnh hay thấp thỏm, bình hòa hay nóng nảy, là biểu hiện chân thực từ việc tu dưỡng cao hay thấp của người ấy.

Trong cuốn sách cổ “Liễu Phàm tứ huấn” ghi chép lại một câu chuyện xưa như sau. Có một vị tú tài rất tin tưởng vào năng lực của bản thân mình, thấy rằng bài văn mình viết trong kỳ thi là rất xuất sắc, nhưng cuối cùng anh ta lại không trúng tuyển. Vì thế, anh ta oán trách quan khảo thí là người ngu dốt, không biết phân biệt nhân tài.

Lúc ấy vừa hay có một đạo sĩ đi qua anh ta, nói với anh ta rằng bài văn anh ta làm chắc chắn không hay. Vị tú tài rất không phục, nói rằng: “Ông căn bản còn chưa nhìn thấy bài văn của tôi, sao lại nói nó không hay?”

Vị đạo sĩ đáp lời: “Ta nhìn thấy ngươi, tâm thì không ổn định, khí thì nóng nảy như vậy, làm sao có thể viết ra được một bài văn hay?”

Tu dưỡng của một người là nông hay sâu, học vấn cao hay thấp, hết thảy sẽ được thể hiện trong phong cốt văn vẻ của người ấy. Việc chọn từ dùng từ, phương thức biểu đạt và phối hợp ngôn ngữ như thế nào đều có thể hiển lộ ra học vấn, tu dưỡng và tính nết của người ấy. Những ngôn hành cử chỉ trong cuộc sống đời thường lại càng có thể hiển lộ ra tài trí và đức hạnh của một người.

Nếu một người thực sự có thể nhìn thấu được thế gian hư ảo thì người ấy sẽ không khó khăn để giữ được tâm bình khí hòa. Khi ấy, họ tự nhiên cũng sẽ không lo không sợ, không kinh không nộ. Người thực sự có tu dưỡng, lời nói hay việc làm của họ đều rất bình hòa, không hung hãn hống hách. Họ có thể chung sống hài hòa với bất luận là người nào. Tâm bình khí hòa khiến cho người ta luôn thể hiện ra bên ngoài một vẻ nho nhã lịch sự, ôn nhuận như ngọc, khiến người tiếp xúc cảm thấy dễ chịu như gặp được một cơn gió mùa xuân.

Trong phần mở đầu của “Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?”, ý nghĩa là khi chúng ta không được người khác tán thành, thậm chí bị hiểu lầm thì cũng không nên sinh tâm oán giận.

Trong kết giao xã hội, bất kỳ ai cũng rất khó tránh khỏi thị phi. Cho dù là một người tinh thông ở rất nhiều phương diện thì cũng không nhất định được người người tán thành. Nếu trong tâm không biết suy xét lại mình hoặc không chú ý tu tâm thì khi gặp tình huống ấy sẽ khó tránh khỏi cảm giác bị mất mát. Nếu như một người có thể không oán không trách khi không được người khác liễu giải, thì đó mới là chính nhân quân tử.

Khổng Tử cũng nói rằng: “Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã”, tức là không cần phải lo lắng người khác không biết tài năng đức hạnh của mình, điều chúng ta cần lo lắng chính là chúng ta không biết tài năng đức hạnh của người khác. Lúc khuyên bảo học trò Nhan Hồi, Khổng Tử nói: “Dụng chi tắc hành, xá chi tắc tàng”, tức là khi gặp cơ hội thích hợp thì ra làm, còn khi không có cơ duyên thì ẩn giấu tài năng của mình đi.

Trong cuộc sống có không ít người hễ gặp điều thất ý là sinh tâm nóng nảy, xốc nổi. Đó là bởi vì họ tu dưỡng chưa đủ nên dễ dàng bị các sự tình làm phiền nhiễu. Trong trạng thái tâm lý đó mà suy xét sự tình thì sẽ khó có được hướng giải quyết ổn thỏa. Nhưng nếu có thể tĩnh hạ tâm xuống, kiểm điểm lại những điều thiếu sót của mình, kịp thời điều chỉnh tâm thái của mình, thì sẽ mở ra một hoàn cảnh khác.

Oán trách là một lối suy nghĩ hết sức tiêu cực, cũng là trở ngại lớn nhất trong tu dưỡng của đời người. Khi gặp phải thất bại, suy sụp hay khổ nạn, trước tiên phải suy xét lại mình xem có chỗ nào thiếu sót, cải biến tâm thái tự cao tự đại của chính mình thì mới có thể khiến tâm linh bản thân được thực sự thăng hoa.