Sách “Vi lô dạ thoại” viết: “Trì thân quý nghiêm, xử sự quý khiêm”, nghĩa là giữ thân quý ở chỗ nghiêm trang, còn xử sự quý ở chỗ khiêm tốn. Đây vừa là đạo lý làm người, vừa là kinh nghiệm đối nhân xử thế vô cùng hữu ích trong cuộc sống của mỗi người.

“Vi lô dạ thoại” viết: Nghiêm trang có lúc thấy gần giống như là ngạo mạn, nhưng nghiêm trang là do chính khí sinh ra còn ngạo mạn là do tập khí ngang tàng mà sinh ra. Cho nên giữ thân tốt nhất là phải chú trọng sự nghiêm trang chứ không nên ngạo mạn. Khiêm tốn có lúc thấy dường như là siểm nịnh, bợ đỡ thế nhưng khiêm tốn là dùng lễ đối đãi với người mà không tự mãn còn siểm nịnh lại là vì có điều mong cầu mà lấy lòng người. Cho nên, xử thế nên là khiêm tốn chứ không thể siểm nịnh.

Trong xã hội cả xưa và nay luôn có những người giữ thân rất nghiêm trang, không nói cười một cách cẩu thả, càng không đùa cợt một cách tùy tiện. Những người như thế luôn kỷ luật bản thân rất nghiêm. Nhìn qua, người khác sẽ cảm thấy dường như là họ kiêu ngạo nhưng kỳ thực họ không muốn làm những việc vô nghĩa, vi phạm lễ tiết, không giống như một số người bởi vì tự cao tự đại mà xem thường người khác.

Nếu chúng ta có dịp gần gũi với những người trang trọng, chúng ta sẽ phát hiện ra họ là những người “vọng chi nghiễm nhiên, tức chi dã ôn” (từ xa mà nhìn thì cảm thấy họ trang nghiêm, đến gần lại cảm thấy họ hoà nhã dễ gần) chứ không hề là người ở xa ngàn dặm như trong tưởng tượng của chúng ta. Càng tiếp xúc với những người như vậy chúng ta sẽ càng thấy bị thu hút, thích thú và học được rất nhiều điều ở họ.

Nhưng nếu đó là một người kiêu căng ngạo mạn, tiếp cận họ thì rất có thể sẽ vô duyên vô cớ chịu sự sỉ nhục. Việc này tương phản với người quân tử “nghiêm dĩ luật kỉ, khoan dĩ đãi nhân” (đối với bản thân phải nghiêm trang, đối với người phải khoan hậu). Bời vì người quân tử là tự trọng, còn kẻ kiêu ngạo lại là tự đại. Tu thân dưỡng tính, tuyệt đối không được để từ tự trọng mà sa vào tự đại.

Với người khiêm tốn cho dù có học vấn uyên bác và tầm hiểu biết sâu rộng, họ cũng không bao giờ kiêu mạn tự mãn. Người xưa từng dạy chúng ta rằng “mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” (tự mãn sẽ rước lấy tổn hại, khiêm tốn sẽ có được ích lợi). Khiêm tốn mới có thể học thêm được nhiều điều mới và có được sự tôn trọng của mọi người.

Người khiêm tốn học hỏi ở người khác nên không ngừng làm phong phú hiểu biết của bản thân mình. Còn siểm nịnh là một loại thái độ luồn cúi bợ đỡ. Để đạt được mục đích, họ không ngại khom lưng uốn gối lấy lòng người khác, vì thế người ta gọi đó là “mị tâm”. Giữa khiêm tốn (hư tâm) và siểm nịnh (mị tâm) có sự khác biệt rất lớn. “Hư tâm” là “vô sở cầu” còn “mị tâm” là “hữu sở cầu”, “hư tâm” là “nội liễm”, là yêu cầu chính mình, còn “mị tâm” là “ngoại cầu”. Ngoài ra, “hư tâm” là mong cầu hiểu biết về tinh thần còn “mị tâm” là mong cầu về vật chất, lợi ích. Bởi vậy, người ta không nên có tâm lý siểm nịnh, mà ngược lại không thể không có thái độ khiêm hư.

Trong lịch sử, Hoàng đế Hán Văn Đế Lưu Hằng là một trong những vị Hoàng đế nghiêm khắc với bản thân nhưng lại đối đãi với người khác một cách nhân từ nhã nhặn. Theo sử sách ghi chép lại, Hán Văn Đế có tính cách ôn hòa, trọng đức trọng hiếu, là tấm gương quân vương cổ đại có đủ cả đức và hiếu. Cả đời ông đều đề xướng tiết kiệm, nghiêm khắc tu thân. Trong quá trình trị vì, ông dốc sức chăm lo việc nước, bắt tay vào xây dựng thủy lợi, hủy bỏ nhục hình, những chính sách cai trị của ông giúp nhà Hán bước vào thời kỳ an ổn cường thịnh. Nhờ vậy, dân chúng có cuộc sống sung túc, thiên hạ thái bình. Thời kỳ Hán Văn Đế cùng với con trai là Hán Cảnh Đế thống trị nhà Hán được xưng là “Văn Cảnh chi trị”.

Về đối nội đối ngoại, Hán Văn Đế áp dụng thái độ dùng đức thu phục người nên rất được lòng dân. Về phương diện hiếu đạo, câu chuyện Hán Văn Đế Lưu Hằng nếm thuốc cho mẹ là một trong “Nhị thập tứ hiếu” nổi tiếng của Trung Hoa.

Đối với bản thân, ông luôn nghiêm khắc giữ mình, không sa vào lối sống hưởng lạc xa xỉ. Ông sống cuộc sống đạm bạc, tiết kiệm, ở trong cung Vị Ương mấy chục năm mà cách bài trí trong cung vẫn không thay đổi. Y phục của Hán Văn Đế thường được may từ loại vải thô màu đen. Màn trướng cũng không được dùng loại sang trọng có gắn hoa. Thậm chí, Hán Văn Đế còn đi cả giày cỏ vào triều. Nhưng ông lại luôn ban thưởng và thăng chức cho những lão thần, tướng quân có công lao với triều đình, ban tặng gạo và vải vóc cho người già, giảm trừ và miễn thuế cho dân chúng…

Trong “Sử ký” viết rằng trong suốt 23 năm ông tại vị, cung điện, lâm viên, xe cộ, ngựa đều không tăng thêm. Ngoài ra trước lúc lâm chung, ông cũng yêu cầu việc tang sự của bản thân phải được giản lược, không mua sắm nhiều, không được xây lăng mộ, không được hạn chế việc hỷ của dân chúng. Hán Văn Đế Lưu Hằng thực sự là vị Hoàng đế đối với bản thân thì nghiêm, đối với người thì khoan hậu, được hậu nhân hết mực ca tụng.