Kinh Dịch có câu rằng: “Thiện không tích, không đủ để thành danh; ác không tích, không đủ để diệt thân”. Phàm là mọi việc đều có nhân quả, khi họa giáng xuống ắt là có nguyên nhân gieo mầm từ trước. Vậy nên trong cuộc sống, trước khi kết quả xảy ra, nhất định phải trừ bỏ những thói quen xấu có thể chiêu mời tai vạ. Cuộc đời của một người chỉ cần trừ bỏ 3 chữ này thì họa ắt rời xa, phúc tự tìm đến!
Kiêu
“Quân tử thụ ngôn dĩ minh trí, ngạo hoành cô hành họa tất tự sinh” nghĩa là: Có thể tiếp nhận lời khuyên giải của người khác mới là hành vi của bậc quân tử, những người tự cho mình là đúng, cao ngạo độc đoán, thì họa hoạn sẽ bắt đầu nảy sinh. Tiếp nhận lời khuyên có thể khiến bản thân đối đãi với các sự vật từ nhiều phương diện, làm việc càng thông minh, cơ trí hơn.
Khi lòng kiêu ngạo nổi lên thì người ta sẽ không thể nhìn thấy sự tồn tại của người khác, lại càng không thể nhìn rõ vạn vật nhân sinh. Người như vậy từng lời nói cử chỉ đều lấy mình làm trung tâm, tuỳ tiện, thích gì làm nấy mà mất đi chừng mực làm người, mất đi sự anh minh khi làm việc, vận may cũng sẽ đoạn tuyệt với họ từ đây.
Chỉ khi trừ bỏ tính “kiêu ngạo”, con người mới có thể tìm lại được trạng thái tốt nhất và tiếp tục bước trong kiếp nhân sinh.
Đấu
“Hoà giả vô cừu, thứ giả vô oán, nhẫn giả vô nhục, nhân giả vô địch” nghĩa là: Sống hoà ái, thiện lương thì chẳng thể kết thù kết oán với người; có thể dung thứ cho người khác sẽ bớt đi những lời oán giận; hiểu được cách nhẫn nại, sẽ không vì vậy mà bị làm nhục; làm được nhân nghĩa, sẽ chẳng có kẻ thù.
Tranh đấu với người, dẫu thắng hay thua, thì đều làm tổn thương tới bản thân. Chẳng thể bao dung với người thì lòng dạ hẹp hòi, làm việc sẽ đắc tội với người khác, bị người ta oán hận, vô hình chung lại dựng lên cho mình rất nhiều kẻ địch.
Hiểu được cách từ bỏ thói quen tranh đấu mới có thể hoà ái, lương thiện với người, mới có được tương lai tương sáng, sinh tâm nhân ái, chuyển họa thành phúc.
Tham
“Cao phi chi điểu, tử ư mỹ thực; thâm đàm chi ngư, vong ư phương nhị” nghĩa là: Chim bay trên trời cao, chết vì miếng ngon nơi mặt đất; cá ở nơi đầm sâu, chết vì tham miếng mồi ngon.
Đời người sao có thể vì một chữ “tham” mà huỷ đi cả một kiếp người? Nhưng “lòng tham” lại là chướng ngại không thuốc chữa. Dẫu bộ óc thông minh thế nào thì khi mắc phải chữ “Tham” cũng trở nên ngốc nghếch. Tâm dẫu sáng suốt bao nhiêu thì khi gặp phải chữ “tham” cũng chấp mê bất ngộ. Người dẫu lương thiện nữa, hễ “tham dục” nổi lên cũng độc ác muôn phần.
Trong kiếp nhân sinh, dẫu bạn may mắn bao nhiêu, sinh ra thuận lợi thế nào, thì cũng đều phải trừ bỏ chữ “tham”. Biết đủ mới là cách bảo toàn vận may của bản thân, bảo tồn phúc, rời xa họa. Biết đủ không phải là sự mê muội tiêu cực, mà là biết chừng mực khi đối diện với kiếp nhân sinh, biết tiến thoái, đúng mực, đúng thời điểm.