Chữ Hán là loại chữ tượng hình, tượng thanh, hơn nữa trong các chữ Hán còn ẩn chứa ý nghĩa, đạo lý nhân sinh sâu xa. Ví như chữ nhân (人), có nghĩa là “người” trong tiếng Việt, chỉ cần hai nét bút là viết xong. Nhưng viết chữ nhân (人) rất đơn giản mà làm người thì lại rất khó!
Nhân sinh muôn màu, muôn vẻ nên điều khó là làm sao để mỗi bước đi đều thuộc về bản thân mình. Dưới đây xin đưa ra 9 ý nghĩa sâu xa của chữ nhân (人), cũng là 9 đạo lý nhân sinh để mọi người tham khảo.
1. Một nét biểu thị cho sự tiến lên, một nét biểu thị cho sự thoái lùi
Đời người tựa như leo núi, từng bước từng bước hướng lên trên mà leo. Nhưng khi đã lên đến đỉnh núi thì lại từng bước từng bước hướng xuống. Những người kiên trì leo được lên đến đỉnh cao là người đáng kính, nhưng lên đến đỉnh cao mà không lưu luyến địa vị, có thể “lên được xuống được” mới là người đáng trân quý nhất.
2. Một nét biểu thị cho niềm vui, một nét biểu thị cho sự phiền não
Niềm vui và phiền não, hạnh phúc và thống khổ đều song hành tồn tại trong mỗi người, không ai là ngoại lệ. Nhưng chúng lại có thể khích lệ nhau tiến lên. Con người chỉ khi đã trải qua phiền não thống khổ mới có thể thực sự cảm nhận hết được niềm vui, niềm hạnh phúc của cuộc đời.
3. Một nét biểu thị sự phát triển, một nét biểu thị cho sự già yếu
Đời người chính là một quá trình trao đổi chất, thay cũ đổi mới, cái mới không ngừng được sinh ra và cái cũ không ngừng bị đào thải đi. Con người chỉ có không ngừng thu nạp những vật chất mới được sinh ra và loại bỏ đi những thứ mục nát thì mới có thể sửa cũ thành mới, phát triển khỏe mạnh. Tâm linh của con người cũng vậy, cần phải thường xuyên được tẩy tịnh, loại bỏ đi những bụi bẩn mới có được sự khỏe mạnh thực sự.
4. Một nét biểu thị thuận cảnh, một nét biểu thị nghịch cảnh
Cuộc đời luôn không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, mà luôn có thuận cảnh và nghịch cảnh, thậm chí nghịch cảnh còn nhiều hơn thuận cảnh. Trong cuộc đời, những điều không được như ý muốn luôn nhiều, đó chính là để xem chúng ta đối mặt như thế nào.
Một người có thể vượt qua được nghịch cảnh mới có thể tìm được giá trị của bản thân cũng như ý nghĩa cuộc sống của mình. Bởi vậy, khi ở vào nghịch cảnh hãy nhớ rằng thuận cảnh cuối cùng rồi sẽ đến, ở vào thuận cảnh hãy nhớ tới lúc nghịch cảnh mà không ngừng tu dưỡng.
5. Một nét biểu thị sự trả giá, một nét biểu thị thu hoạch
“Không có mất thì không được”, “được thì phải mất” là đạo lý bất biến trong nhân sinh. Nếu một người chấp nhận trả giá nhiều hơn một chút thì đương nhiên người ấy cũng sẽ thu hoạch được nhiều thành công hơn một chút. Đôi khi mất đi không phải là điều đáng buồn, không phải là một loại tổn thất mà lại là một loại kính tặng, hiến dâng, một loại thu hoạch khác.
Bên nhà Phật dạy rằng: “Đời người có xả mới có thể đắc được”. Cổ nhân cũng có câu: “Chịu thiệt là phúc”. Vậy nên, trong cuộc sống, khi gặp một chút mất mát hãy đừng bi quan chán nản bởi vì điều chờ đợi trong tương lai chính là phúc báo.
6. Một nét biểu thị quyền lợi, một nét biểu thị trách nhiệm
Mỗi người đều có quyền lợi làm người nhưng cũng phải gánh vác trách nhiệm làm người. Nếu một người chỉ mong muốn hưởng quyền lợi mà không muốn chịu trách nhiệm thì không thể được, người ấy chỉ có thể làm hao tổn phúc đức của mình mà thôi.
7. Một nét là bản thân mình, một nét là người yêu thương
Vợ chồng nương tựa vào nhau. Tay trái xách đồ vật mệt mỏi, không cần mở miệng nhắc nhở, tay phải cũng tự nhiên đưa qua xách thay. Tay trái bị thương cũng không cần kêu la, cầu cứu, tay phải tự nhiên sẽ gánh vác thay cho tay trái. Vợ chồng yêu thương, đồng lòng thì gia mới hòa, vạn sự mới hưng.
8. Một nét biểu thị oán duyên, một nét biểu thị thiện duyên
Phật gia giảng rằng người sống trên đời là để hoàn trả duyên nợ. Người có oán duyên, cũng có thiện duyên. Lấy khoan dung để tiếp nhận thái độ công kích của đối phương, lấy nụ cười đáp lại lời châm biếm, lấy nhường nhịn cảm hóa sự chế giễu, lấy bao dung đối đãi với khuyết điểm và sự hiểu lầm của người khác, từ đó mà biến ác duyên thành thiện duyên.
Không nóng nảy bực bội, nhẫn nhịn không tranh cãi, thương cảm với nỗi khổ của người khác, thản nhiên không lo không sợ, từ bi và tường hòa, ấy chính là tâm thái vĩnh hằng vượt trên hết thảy duyên nợ thế gian của bậc Giác giả.
9. Một nét biểu thị nửa đời trước, một nét biểu thị nửa đời sau
Nửa đời trước bén rễ, nảy mầm, nở hoa. Nửa đời sau kết quả, thu hoạch, cất trữ. Đường đời mặc dù dài nhưng điều quyết định có khi chỉ là mấy bước cuối cùng.
Có câu nói rằng: “Nửa đời sau cho thấy sự tu dưỡng của nửa đời trước”, tức là một người khi trước tu dưỡng ra sao thì nửa đời sau hưởng kết quả thế ấy. Nhiều người trẻ tuổi ngày nay cho rằng khi trẻ cần phải ăn chơi cho thỏa mãn nhưng kỳ thực những người ấy khi về già sẽ cảm thấy hối tiếc nhất.
Chữ nhân (人) bao gồm hai nét, thiếu một nét sẽ không thành. Hai nét phối hợp với nhau, phụ trợ cho nhau mới trở thành nhân sinh hoàn chỉnh.