Người xưa nói: “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn cái ác thì “dâm” đứng đầu. Từ “dâm” này không chỉ có ý nghĩa là dâm đãng mà rộng hơn nữa là phóng túng quá độ. Đạo Đức Kinh nói rằng “thái quá” (quá độ) là sự hình thành của tất cả cái ác, dâm quá tất có họa, dục nặng tất có tai. Cho nên, xử thế trên đời cần phải có chừng mực, không thể quá độ, nếu ham muốn quá mức 3 điều sau thì sẽ dễ dàng dẫn đến mầm tai họa.
Quá mức yêu tiền sẽ trở nên tham lam
Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên viết: “Thiên hạ hi hi, giai vi lợi lai; thiên hạ nhương nhương, giai vi lợi vãng”, thiên hạ rộn ràng, đều là vì lợi mà đến; thiên hạ nhốn nháo, đều là vì lợi mà đi. Người trong thiên hạ hối hả bận rộn cả ngày, chẳng qua cũng đều là vì lợi.
Theo đuổi lợi là thói thường của con người, không đáng trách, nhưng nếu tham lam quá độ thì tất sẽ là mua dây buộc mình. Có câu nói rằng: “Làm quan thì sợ mất quan, có tiền thì sợ tiền tiêu tán”. Con người càng có nhiều thứ gì, họ lại càng sợ mất cái đó. Địa vị của một người càng cao và quyền lực càng lớn thì người đó càng phải tỏ ra kín đáo và càng phải kiềm chế bản thân hơn, bởi vì sai một bước là sai vạn dặm.
Khi nhìn vào những người có quyền thế, tiền tài, chúng ta thấy họ muốn tiền thì có tiền, muốn quyền có quyền. Dường như họ không còn thiếu gì nữa. Nhưng rất nhiều người trong số đó lại sống không vui vẻ. Bởi vì con người một khi không biết đủ, lòng tham vô đáy thì giống như con rắn muốn nuốt con voi. Họ luôn muốn có nhiều hơn nữa. Dục vọng làm mê mờ mắt họ, và càng làm mê mờ tâm trí họ. Họ đã bị dục vọng trói buộc và thật khó để có thể sống ung dung tự tại.
Nhà Phật quan niệm rằng, tiền tài là vật ngoài thân, khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi. Hơn nữa, mọi tài vật đều là từ đức mà ra. Cạm bẫy của lòng tham sẽ khiến bản thân không thể thoát ra, cái được chẳng bù nổi cho cái mất.
Quá mức tự tư sẽ chịu tổn thất lớn
Chúng ta thường nghe thấy câu: “Người không vì mình, Trời tru đất diệt”. Câu này miêu tả một cách cực đoan về bản tính ích kỷ của con người. Tự tư, ích kỷ là một cái bẫy cực lớn.
Những người tự phụ thông minh sẽ nghĩ rằng vô tư là điều mà những kẻ ngốc mới làm. Nhưng người ôm chí lớn chịu cái thiệt trước mắt, là tổn thất nhỏ, đạt được là cái lợi về sau, là cái lợi lớn.
Mục đích của người ích kỷ là chiếm lấy và cất giữ. Họ muốn đoạt những gì mà người khác có. Họ làm tổn hại đến người khác vì quyền lợi của bản thân mình. Họ đẩy những khó khăn của mình cho người khác, và lòng ham muốn của họ sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Niềm vui sướng của người ích kỷ chính là nỗi đau của người khác, và họ đau khổ khi mọi người vui sướng. Họ ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí cả trong giấc mơ họ cũng lo sợ bị mất quyền lợi.
“Vật cực tất phản”, làm người nếu như quá ích kỷ thì đó không phải là mở đường cho bản thân, mà là tự cắt đứt con đường của chính mình. Tự tư sẽ khiến bản thân mình dần dần cách ly xa với mọi người. Không ai muốn ở cùng người chỉ biết nghĩ tới bản thân.
Quá mức đố kỵ sẽ lấy oán trả ơn
Người xưa nói: “Lòng dạ nhiễm bẩn, không thích người khác vinh quang, đó là đố kỵ”. Tật đố là một con dao, nếu không đâm vào trái tim của người khác, thì cũng là đâm vào cơ thể của chính mình.
Tâm đố kỵ ghen ghét thực sự là hại người hại mình. Người có tâm này khi sống cùng người khác mà thấy người khác hơn mình thì canh cánh trong tâm, tâm lý mất đi sự cân bằng. Một số người đố kỵ đến mức luôn tìm cách để gây trở ngại, làm tổn hại cho người khác. Thậm chí, có người bởi vì thế mà sinh ra ác niệm, ác sự, mưu hại người khác. Khi tật đố không chịu được thì người đó sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, hại người, đồng thời định sẵn kết cục thảm hại cho bản thân mình.
Trên thực tế, bất cứ ai cũng có thể trở nên hung ác nếu họ có tâm tật đố mạnh mẽ. Đây chính là mặt tối nhất và ngu ngốc nhất của nhân tính. Bởi vậy, con người sống trên đời, điều quan trọng nhất là điều chỉnh tâm thái của chính mình. Khi thấy người khác tốt thì không được mang tâm ghen tị, mà phải biết vui với niềm vui của người khác, dùng tâm bao dung để yêu thương mọi thứ trên thế gian. Làm được như vậy mới có thể sống được ung dung tự tại.